Những con "ma cà rồng" giàu có! Đó là lời đả kích nhiều ẩn ý của ông Pierre Moscovici, Cao ủy Tài chính Liên minh châu Âu (EU), đối với những kẻ tận dụng các chiêu tránh thuế vừa được phơi bày chi tiết trong "núi" tài liệu Paradise Papers (tạm dịch: Hồ sơ Thiên đường).
Hơn cả Hồ sơ Panama
"Họ là một loại ma cà rồng. Họ dường như chẳng sợ gì ngoài ánh sáng. Vậy nên, tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta chiếu rọi ánh sáng đó" - ông Moscovici mở lời trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg - Pháp hôm 14-11. Theo ông, nhiều chiêu lách thuế được phơi bày trong Hồ sơ Thiên đường được xem là không "phạm pháp", điều đó có nghĩa luật pháp cần phải thay đổi.
Appleby, công ty luật có trụ sở ở Bermuda, đã giúp Apple giảm bớt gánh nặng thuế ở Mỹ Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Có quy mô hơn cả Hồ sơ Panama rúng động một năm trước đó, Hồ sơ Thiên đường công bố hôm 5-11 được đánh giá là khối tài liệu rò rỉ lớn nhất trong lịch sử. Nó gồm 13,4 triệu tài liệu, tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính khách, doanh nghiệp hàng đầu cũng như những người nổi tiếng thế giới.
Hồ sơ Thiên đường là kết quả điều tra của báo Đức Süddeutsche Zeitung cùng Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) với sự tham gia của 380 nhà báo thuộc 96 cơ quan truyền thông ở 67 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có The New York Times (Mỹ), Guardian (Anh), BBC (Anh) và NBC News (Mỹ).
Nhiều ánh mắt đang đổ dồn về phía Apple sau khi những rò rỉ gây sửng sốt từ Hồ sơ Thiên đường đã lột trần các ngóc ngách đầy hấp dẫn về thuế của công ty sinh lời nhiều nhất thế giới này.
Giám đốc điều hành (CEO) Apple Tim Cook đã rất giận dữ. Đó là vào tháng 5-2013, ông xuất hiện trước tiểu ban điều tra của Thượng viện Mỹ, theo The New York Times.
Sau một cuộc điều tra dài, tiểu ban này phát hiện nhà sản xuất iPhone đã tránh hàng triệu USD tiền thuế bằng cách chuyển lợi nhuận tới các nhà thầu ở Ireland - mà theo cách gọi của chủ tịch tiểu ban là "những công ty ma".
"Chúng tôi trả tất cả thuế mà mình nợ, từng đô la một. Chúng tôi không phụ thuộc vào những mánh khóe trốn thuế không cần thiết. Chúng tôi không giấu tiền ở những hòn đảo Caribe" - CEO Apple tuyên bố tại cuộc điều trần.
Tuyên bố chẳng sai một chữ! Hòn đảo mà Apple về sau sớm tìm tới nằm trên quần đảo Channel ở Anh. Năm tháng sau cuộc điều trần của ông Cook, giới chức Ireland bắt đầu đàn áp thẳng tay cấu trúc thuế mà Apple từng tận dụng. Thế nên, công ty này tiến hành săn tìm "thiên đường" khác cho núi lợi nhuận khổng lồ của mình trú chân, theo Hồ sơ Thiên đường.
Với sự trợ giúp của các công ty luật chuyên về ẩn náu thuế ở nước ngoài, Apple đã soi kỹ các thẩm quyền pháp lý từng nơi, trước khi "định cư" trên hòn đảo Jersey nhỏ bé thuộc Anh - nơi có luật thuế riêng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 0% cho các công ty nước ngoài.
Apple đã tích lũy hơn 128 tỉ USD lợi nhuận ở nước ngoài, thậm chí có thể còn nhiều hơn. Đáng chú ý là số tiền đó không bị đánh thuế ở Mỹ trong khi nước sở tại hầu như cũng chẳng xơ múi được gì. Số lợi nhuận khổng lồ này thu về trong khoảng một thập kỷ qua.
Câu chuyện chưa từng được tiết lộ trước đây về cuộc săn tìm thiên đường thuế mới của Apple và việc công ty này chọn hòn đảo Jersey nằm trong những tài liệu nổi lên từ kho hồ sơ doanh nghiệp bí mật từ Appleby - hãng luật đóng tại Bermuda, chuyên cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp và giới nhà giàu.
"Tuân thủ quy định"
Theo Hồ sơ Thiên đường, khách hàng của Appleby đã chuyển nhượng thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản giá trị khác sang công ty bình phong nước ngoài, tránh thuế hàng tỉ USD.
Cụ thể, các quyền sở hữu nhãn hiệu Swoosh của hãng thời trang thể thao Nike, ứng dụng gọi taxi của Uber, bằng sáng chế Botox của Allergan, công nghệ mạng xã hội của Facebook..., tất cả đều trú ngụ ở các công ty vỏ bọc kê khai trụ sở tại những văn phòng Appleby ở Bermuda và Grand Cayman.
"Các công ty đa quốc gia Mỹ là những bậc thầy toàn cầu về các chiến lược né tránh thuế, không chỉ gây thất thu thuế ở Mỹ mà còn ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới" - giáo sư luật ĐH California Edward D. Kleinbard, từng là cố vấn thuế doanh nghiệp cho những công ty kiểu này, nhận định.
Thực tế, những chiến lược thuế tương tự Apple đã áp dụng, cũng như nhiều gã khổng lồ khác là Amazon, Google, Starbucks… đã khiến các chính phủ trên khắp thế giới thất thu tới 240 tỉ USD/năm, theo số liệu ước tính năm 2015 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Phía Apple cho biết gần 70% lợi nhuận trên toàn cầu của công ty này thu được ở nước ngoài. Theo báo cáo tài chính mới nhất, Apple thu về 44,7 tỉ USD từ các thị trường nước ngoài nhưng chỉ phải nộp 1,65 tỉ USD thuế trong năm nay cho các chính phủ, tương đương 3,7%. Tỉ lệ này chưa bằng 1/6 thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trên thế giới.
Ông Josh Rosenstock, người phát ngôn của Apple, từ chối trả lời phần lớn những câu hỏi về chiến thuật thuế của công ty. Ông cho biết công ty này đã báo cáo với các nhà chức trách ở Mỹ, Ireland và Cao ủy châu Âu về việc tái cấu trúc các công ty con ở Ireland.
"Những thay đổi của công ty không làm giảm tiền thuế phải nộp ở bất cứ quốc gia nào. Công ty trả từng đồng thuế nợ mỗi quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm thuế suất tiêu chuẩn 35% tại Mỹ và 21% với doanh thu ở nước ngoài. Tỉ lệ này đã được duy trì trong nhiều năm" - nhà sản xuất iPhone khẳng định. Tương tự, các tuyên bố từ các hãng Allergan, Facebook, Nike và Uber cũng nêu rõ họ tuân thủ quy định về thuế trên khắp thế giới.
Kỳ tới: Công thức "Hai người Ireland"
Thiệt thòi?
Những tiết lộ trên được tung ra không lâu sau đề xuất của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa (Mỹ) nhằm giảm bớt gánh nặng đóng thuế cho các công ty đa quốc gia, trong đó có việc cắt giảm thuế thu nhập liên bang xuống mức 20%, so với 35% hiện tại.
Tổng thống Donald Trump từng nói rằng các doanh nghiệp Mỹ chịu nhiều thiệt thòi với những luật lệ thuế má hiện tại. Thế nhưng, bom tấn Hồ sơ Thiên đường đã cho thấy các công ty lớn của Mỹ đâu có ngồi yên chịu thuế. Họ đã tìm ra những cách hết sức "sáng tạo" để mức thuế phải đóng cách rất xa quy định 35%.
Bình luận (0)