Tàu của Ủy ban Hành động vì Điếu Ngư/Senkaku Hồng Kông xuất phát hôm 12-8 đang tiến gần tới quần đảo tranh chấp. Ngày 14-8, tàu chở 14 nhà hoạt động Hồng Kông đã ghé cảng Cơ Long của Đài Loan để nhận thực phẩm tiếp tế.
Về phía các nhà hoạt động Đài Loan, họ bất ngờ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch lên đảo Điếu Ngư/Senkaku với lý do tàu cá họ thuê trước đó không dám ra biển. Chủ tịch hiệp hội bảo vệ Điếu Ngư đài Tạ Mộng Lân đã hủy kế hoạch ra khơi lúc 2 giờ 10 phút ngày 15-8 sau khi thất bại trong việc thuê tàu. Còn ông Ân Tất Hùng, thành viên của hiệp hội trên cáo buộc chính quyền Đài Loan cản trở kế hoạch ra khơi của họ. Theo kế hoạch, họ sẽ nhập với đoàn tàu của Trung Quốc gần đảo Bành Giai, ở cực Bắc của Đài Loan.
Một số người cho rằng việc chính quyền Đài Loan không cho hợp nhất với nhóm tàu của Trung Quốc nhằm tránh hiểu lầm Đài Loan đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nguồn tin của Tân Văn Xã cho biết ông Mã Anh Cửu đã ngăn chặn tàu Đài Loan ra biển vì sớm nhận thấy khả năng xảy ra xung đột là rất cao.
Nhà cầm quyền Mã Anh Cửu đã gây sức ép để thuyền trưởng tàu cá Đài Loan không được phép ra biển
(Ảnh: HKEJ.COM)
Bất chấp các diễn biến trên, tàu Hồng Kông tuyên bố sẽ "đơn thương độc mã" lên đảo Điếu Ngư/Senkaku để khẳng định chủ quyền. Theo Thời báo Đài Bắc, trên tàu này có 2 nhà báo của kênh truyền hình Phụng Hoàng Hồng Kông.
Phản ứng trước việc này, Nhật Bản lên kế hoạch ứng phó trong trường hợp tàu Hồng Kông tiến sát đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trung tâm quản lý khủng hoảng của văn phòng Thủ tướng Nhật đã lập văn phòng thông tin tình báo để xử lý vụ việc.
Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu các nhân viên phòng quản lý khủng hoảng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, “cố gắng thu thập những thông tin tình báo kịp thời và linh hoạt trong việc xử lý các trường hợp xâm phạm chủ quyền theo luật biển Nhật Bản”.
Theo thông tin mới nhất, 6 tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản đã bao vây con tàu đến từ Hồng Kông, khi cách Senkaku/Điếu Ngư tầm 27 hải lý. Phía Nhật cảnh báo những nhà hoạt động Hồng Kông rằng họ đã xâm phạm vùng biển của Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, ông Jin Matsubara, Chủ tịch Ủy ban An toàn Quốc gia, Bộ trưởng Tiêu dùng quốc nội Nhật Bản, đã đến thăm đền thờ Yasukuni ra trong thời điểm căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề lãnh thổ.
Hãng Jiji Press dẫn lời ông Matsubara xác nhận: “Đây chỉ là chuyến thăm cá nhân”. Sau ông, nhiều thành viên nội các khác đang lên kế hoạch đến thăm ngôi đền bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Yoshihiko Noda. Trong nhiệm kỳ từ năm 2001-2006, cựu thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi từng đến viếng đền Yasukuni, gây sóng gió cho quan hệ của Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc một thời gian.
Bình luận (0)