Ngày 1-5, sau khi chính quyền Libya thông báo máy bay NATO ném bom giết chết con trai út và ba đứa cháu của ông Gaddafi trong một âm mưu giết ông này đêm 30-4, hàng trăm người dân phẫn nộ phóng hỏa các tòa đại sứ và phái bộ ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp và Ý – các nước thành viên của NATO - tại Tripoli.
Tòa đại sứ Qatar – nước ủng hộ chiến dịch không kích Libya của NATO và cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Libya – cũng bị tấn công.
Trục xuất đại sứ Libya
Lập tức, Chính phủ Anh trả đũa bằng cách trục xuất ông Omar Jelban, đại sứ Libya tại London, buộc ông này rời khỏi nước Anh trong vòng 24 giờ.
Sở dĩ Liên Hiệp Quốc (LHQ) quyết định rút 12 nhân viên nước ngoài ra khỏi Libya về Tunisia, chỉ để lại nhân viên tại chỗ do e sợ xảy ra thêm những vụ tấn công mới nhắm vào tổ chức này khi diễn ra lễ mai táng Saif al-Arab, con trai út và ba cháu nội, ngoại của ông Gaddafi.
Thi thể được cho là của Saif al-Arab (bìa trái). Ảnh: AFP
Các nhân viên LHQ mới có mặt tại Tripoli cách đây nửa tháng sau khi được phép của đại tá Gaddafi. Họ có nhiệm vụ mở đường đến các thành phố bị quân đội Libya bao vây ở phía Tây, đặc biệt là thành phố Misrata, để thực hiện sứ mạng nhân đạo. LHQ nói rõ nhân viên của họ sẽ trở lại Tripoli khi tình hình ở đây cho phép.
Hãng tin AFP cho biết theo thông báo của chính quyền Tripoli, lễ mai táng ông Saif al-Arab (tiếng Ả Rập có nghĩa là “lưỡi gươm của người Ả Rập”) đã được tiến hành trưa 2-5 tại nghĩa trang liệt sĩ Al Hani ở Tripoli.
Đêm 1-5, đài truyền hình nhà nước Libya công bố một đoạn phim video cho thấy hai thi thể phủ quốc kỳ Libya từ đầu đến chân, trong đó có một thi thể được cho là Saif al-Arab, nhưng không cho thấy mặt.
Theo thông báo của Chính phủ Libya, ba đứa bé chết trong vụ không kích đêm 30-4 là Gartaj Hannibal Muammar al-Gaddafi (3 tuổi), Saif Mohammed al-Gaddafi (2 tuổi) - cả hai là con trai của Saif al-Arab và Mastoura Hamid Abuzitala (4 tháng tuổi), con gái của Aisha - con gái của ông Gaddafi.
Nghi ngờ ý đồ thật sự của NATO
Không phải vô cớ mà Libya tố cáo NATO âm mưu giết chết nhà lãnh đạo Gaddafi với kỳ vọng thay đổi chế độ một cách mau chóng. Nhiều quan chức cao cấp Anh - Mỹ từng yêu cầu NATO thực thi chính sách ám hại ông Gaddafi nhằm chấm dứt sự bế tắc hiện nay ở Libya.
Nhật báo Anh The Telegraph cho biết ngày 24-4, thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa, ủy viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tuyên bố rằng cách chấm dứt bế tắc nhanh nhất là “chặt bỏ đầu rắn”.
Ông Graham lập luận rằng: “Gaddafi không phải là nhà lãnh đạo hợp pháp ở Libya”, vì vậy đây là “một mục tiêu quân sự hợp pháp” (theo CNN).
Tuy thừa nhận rằng giết lãnh tụ nước ngoài là bất hợp pháp nhưng ông Graham cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, ông ta không phải là lãnh tụ nước ngoài mà là một kẻ giết người”.
Tờ Daily Mail cũng cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox đã cảnh cáo ngầm ông Gaddafi: “Hãy đầu hàng ngay nếu không chúng tôi sẽ giết ông” trước khi gặp các quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26-4.
Những người ủng hộ ông Gaddafi xé cờ Mỹ trước đại bản doanh nhà lãnh đạo Libya. Ảnh: AP
Ngay sau khi máy bay NATO ném bom vào khu dinh thự của ông Gaddafi ở Tripoli ngày 25-4, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo NATO đang vượt quá giới hạn sứ mệnh mà Hội đồng Bảo an LHQ giao cho họ.
Ông Putin, lúc đó đang viếng thăm Đan Mạch, tuyên bố: “Họ từng nói rằng không muốn giết Gaddafi. Giờ đây, một số quan chức nói: “Vâng chúng tôi đang tìm cách giết Gaddafi”. Ai cho phép họ làm điều đó? Ai có quyền hành quyết người đàn ông này bất kể ông ta là ai?”.
Saif al-Arab, người con út của nhà lãnh đạo Libya, không phải là một nhân vật quan trọng trong cơ cấu quyền lực ở Libya. Ông Joshir nhấn mạnh: “Người ta không thể lần lượt giết hết người này đến người khác”. |
Sau vụ ném bom nhà Saif al-Arab cũng nằm trong đại bản doanh của ông Gaddafi đêm 30-4, Bộ Ngoại giao Nga càng nghi ngờ ý đồ thật sự của NATO: “Tuyên bố của những nước tham gia liên minh cho rằng những cuộc tấn công Libya không nhắm vào ông Gaddafi và gia đình ông này dấy lên những mối nghi ngờ nghiêm túc”.
Tại Venezuela, Tổng thống Hugo Chavez nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa (NATO) đã hạ lệnh giết Gaddafi. Đó là một vụ giết người”.
Tại New Delhi, Đảng Cộng sản Ấn Độ lên án NATO tấn công gia đình ông Gaddafi và yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn nhằm “chấm dứt sự can thiệp quân sự ở Libya, tổ chức đàm phán về việc ngưng bắn và tìm một giải pháp chính trị”.
Phản tác dụng
Quan điểm của ông Graham không phải là phổ biến ở Mỹ. Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống G.Bush, cảnh báo rằng dùng máy bay NATO để giết ông Gaddafi là thất sách vì phản tác dụng.
Phát biểu trên đài CNN, ông Hadley nhận định: “Cái chúng ta thật sự muốn là ông ta phải ra đi hoặc chết do bàn tay người Libya chứ không phải do bàn tay của Mỹ”.
Tuần báo Pháp L’Express dẫn lời ông Shashank Joshir, một chuyên gia của Viện RUSI (của Anh, chuyên nghiên cứu về quốc phòng và an ninh), cho rằng giết ông Gaddafi sẽ không giải quyết được cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Libya. Nếu ông ấy bị giết, những người con sẽ lên thay thế, nhất là Saif al-Islam, người được cho là người thừa kế sự nghiệp chính trị của ông Gaddafi.
Bình luận (0)