Rukn al Din từng là khu dân cư an bình vùng ven TP Damascus. Nó nằm cách khu nhà cao tầng bê-tông cốt thép của những người trung lưu ở phía Đông thủ đô, một đại lộ tấp nập xe cộ và một không gian xanh cây chanh và ô-liu.
Phó mặc cho số phận
Từ ngày xảy ra cuộc nổi dậy rồi biến thành nội chiến cách đây hơn 2 năm rưỡi, Rukn al Din trở thành chiến tuyến. Giờ đây, có thể thấy rõ mồn một các giàn pháo tên lửa của quân chính phủ trên đồi cao bao bọc cả vùng. Hằng ngày, các giàn pháo này phóng tên lửa ào ào bay qua nóc nhà dân không phải một lần mà nhiều lần nhắm vào các mục tiêu tình nghi có quân nổi dậy. Một trong những mục tiêu bắn phá là Jobar - vùng ngoại ô thị trấn Goutar - nơi xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21-8 giết chết khoảng 1.400 người, trong đó có nhiều trẻ em còn mặc áo ngủ. Thông tín viên Rasha Elass của tờ International Business Times đã đến đây sau ngày tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tham khảo ý kiến quốc hội trước khi hạ lệnh tấn công và tường thuật lại cuộc sống của người dân.
Gia đình họ Lattis sinh sống trong một căn nhà nhỏ ở Rukn al Din. Màn đêm buông xuống, các thành viên quây quần trong phòng khách đơn sơ, trong góc có một lồng yến và một máy truyền hình cũ. Ibrahim - 50 tuổi, cha của 4 đứa con - nằm ngủ trên ghế sofa sau một ngày làm lụng vất vả trong xưởng dệt của gia đình. Từ nhiều tháng qua, công việc làm ăn sa sút. Vợ ông, bà Kinda, 47 tuổi, mang dĩa thanh long mới bóc vỏ còn tươi rói đi một vòng mời mọi người ăn. Quả thanh long Syria ruột đỏ ngọt lịm là món giải khát tuyệt vời trong mùa hè nóng bức.
“Kerry có nói gì mới hôm nay không?” - bà Kinda hỏi trống không, phá tan bầu không khí trầm lắng. Kể từ ngày Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hăm dọa tấn công quân sự trừng phạt chính quyền Syria sử dụng khí độc sarin, bà Kinda giống như mọi người dân Damascus, bồn chồn, lo lắng. Nhưng sau đó, khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ tham khảo ý kiến quốc hội trước khi hành động thì tâm trạng đó đỡ nặng nề hơn, chuyển qua trạng thái nhẫn nhục.
Một người dân Damascus thắc mắc: “Vậy thì đâu còn yếu tố bất ngờ. Ông Assad sẽ có thời gian để tự bảo vệ và bố trí lại quân ngũ”. Thật vậy, hàng ngàn quân nhân và nhân viên an ninh đã rời khỏi doanh trại và cơ quan - nơi sẽ trở thành “mồi ngon” oanh kích của máy bay Mỹ và đồng minh - tìm đến các trường học và thánh đường Hồi giáo để tạm trú.
Tổng thống Mỹ đang đùa?
Cuộc sống của gia đình Lattis là thế giới thu nhỏ của người dân Syria hiện nay, ngoại trừ một điều: Họ may mắn hơn vạn người khác. Họ chưa mất người thân nào. Họ vẫn còn nhà để ở. Và không như nhiều gia đình khác trên đất nước Syria, họ còn có điện, nước và lương thực.
“Mở truyền hình đi!” - bà Kinda giục con gái. Lina chồm tới trước lấy bộ điều khiển bấm lia lịa. Tin sốt dẻo của đài truyền hình Ả Rập Al-Jazeera là hội nghị cấp cao khối G20 nhóm họp ở St. Petersburg bàn chuyện Syria. Ông Ibrahim chợt tỉnh ngủ, phán: “G20 là nhóm kinh tế, tại sao lại bàn chuyện chính trị ?”. Nói xong, ông quay mặt vào tường ngủ tiếp không thèm chờ nghe câu trả lời.
Kế đó là tin thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain tuyên bố ủng hộ tấn công Syria. Nói xong, ông ngồi xuống mở điện thoại di động đánh bài xì phé trong lúc mọi người sôi nổi thảo luận đánh hay không đánh Syria. Bà Linda tắt tivi đi ngủ, miệng làu bàu “ông McCain ơi là ông McCain”.
Thật tình, trước 31-8, ngày tổng thống Mỹ tuyên bố Mỹ đã quyết định tấn công Syria nhưng sẽ hỏi ý kiến quốc hội trước khi hành động, gia đình bà Kinda hết sức hoang mang. Mọi thứ ngoài chợ lên giá ào ào. Cả ngàn người ồ ạt đến siêu thị gom sạch nhu yếu phẩm bất chấp giá thịt cá ngừ đóng hộp tăng từ 200 bảng Syria (1 USD) lên 600 bảng (3 USD). Nhưng qua ngày hôm sau, giá cả trở lại bình thường.
Phó mặc cho số phận Hàng ngàn gia đình đã rời khỏi Damascus sau tuyên bố cứng rắn đầu tiên của tổng thống Mỹ vì cho rằng sắp có ném bom. Tuy nhiên sau đó, nhiều người đã trở về thủ đô để rồi tiếp tục tự hỏi: “Sắp tới nên làm gì đây?”. Riêng gia đình họ Lattis đã quyết định phó mặc cuộc đời cho số phận. Bé Lina 11 tuổi không còn chạy theo mẹ hỏi ngày 15-9 có tựu trường không. Người con trưởng cũng không còn than thở nhớ 2 em trai đã chạy ra nước ngoài để trốn lính như hàng ngàn thanh niên Syria khác. Cả gia đình không ai buồn nhắc tới chuyện gia đình bỏ xứ tị nạn ở Ai Cập được vài tuần thì phải vội vã trở về vì không ngờ thủ đô Cairo còn đáng sợ hơn với những cuộc biểu tình bạo động đẫm máu. |
Kỳ tới: Xả stress
Bình luận (0)