Khi màn đêm buông xuống, các công viên trong thủ đô Damascus tấp nập người đến ăn uống, đi dạo, ngồi chơi. Họ ít khi đi một mình mà cả gia đình hay nhóm bạn bè. Một trong những điểm thu hút đông người dân là công viên Arnus ở quận trung tâm Salhiye. Trong công viên có tượng cựu tổng thống Hafez al-Assad trị vì Syria 30 năm trước khi qua đời. Ông Bashar al-Assad tiếp nối sự nghiệp của cha lên làm tổng thống từ năm 2000.
Xua đi nỗi lo bom đạn
Trước đây, người dân thường đến chơi vùng cây ăn trái mát mẻ ở Goutar, phía Đông Damascus. Nay ở đó rất nguy hiểm. Ngày 21-8 xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Vì vậy, công viên là nơi thích hợp nhất. Không chỉ công viên Arnus mà những công viên trong các quận Techkrin, al-Jahez, Mazraa, Baramke cũng được quân đội lập hàng rào an ninh cho nên dân chúng đi xả stress khá thoải mái.
Ruqayya al-Zayyat, một thanh niên vui tính, chia sẻ: “Tôi đến đây mỗi ngày và cảm thấy an tâm vì có quân đội bảo vệ”. Sama, một thiếu nữ xinh xắn khoảng 20 tuổi, đến đây cùng mẹ và mấy người em gái ngồi xích đu, cũng tỏ ra hào hứng: “Chúng tôi muốn thay đổi không khí. Ít nhất cũng đỡ tốn hơn ngồi quán cà phê”. Còn Munir, làm chủ một công ty du lịch, nói: “Người ta thích đến đây vì sợ cuộc sống sôi động. Nhiều người nghèo không dám phung phí 300 bảng để ngồi quán. Đó là một món tiền tương đương hơn 1 đô-la Mỹ. Giá cả mọi thứ bây giờ đã tăng gấp 3 lần thời trước chiến tranh”.
Đã hơn 1 năm nhưng Usama vẫn còn tiếc nuối công việc trong nhà máy bánh kẹo ở thị trấn Jaramana, vùng ven phía Đông Nam Damascus. Anh kể: “Quân khủng bố đã phá hủy nhà máy, giờ đây tôi sống tạm với nghề bán cà phê, trà sữa và nước ép trái cây tại công viên Arnus này”.
Công viên đóng cửa khá muộn nhưng bao giờ cũng trước giờ giới nghiêm có hiệu lực từ nửa đêm. Khác với trước đây, mùa hè oi bức, người dân Damascus và các thành phố lớn thường vui chơi đến tờ mờ sáng. Đường sá vắng tanh. Thỉnh thoảng có 1 chiếc xe hơi hối hả chạy với tốc độ lớn ở quảng trường Abasside. Đó là cách người dân bình thường xua đi nỗi lo bom đạn mất mát hằng ngày.
Cà phê đi!
Mấy quán cà phê bên đường đông nghẹt khách vào ban đêm, bất kể ngày thường hay thứ bảy, chủ nhật. Một nhân viên ngân hàng 26 tuổi, đề nghị không nêu tên vì lý do an ninh, nói: “Trung tâm Damascus giống như Paris. Cái gì cũng có. Nhưng đi xa hơn chút thì không nên”. Anh chàng vô tư này đang ngồi “tám” với bạn bè. Họ chuyền tay nhau một điếu xì gà thơm phức.
Thật ra, ở trung tâm cũng không an toàn cho lắm. Thỉnh thoảng quân nổi dậy “vùng xôi đậu” ở ngoại ô bắn vài quả đạn cối hoặc tên lửa vào gây tổn thất vật chất khá nặng. Một vài người đi đường đã bỏ mạng trong tình huống đó. Ngay cả thánh đường Hồi giáo cũng bị tấn công. Chiến tranh không chừa một ai hay bất cứ thứ gì.
Dù vậy, người dân Damascus vẫn phải sống bất chấp nỗi sợ thanh gươm Damocles mà Mỹ và các nước đồng minh phương Tây treo trên đầu họ. Đêm đêm, họ vẫn ra ngồi các quán cà phê để tán gẫu những chuyện trên trời dưới đất. Những người lớn tuổi một chút thì đánh cờ, hút thuốc. 22 giờ, họ mới bắt đầu lục tục về nhà...
Họ không có quyền tấn công Có những người không cần ra công viên hay ngồi uống cà phê xả stress. Họ quyết định sống chung với chiến tranh trong tâm trạng không bi quan mà cũng không lạc quan tếu. Sinh viên Mustapha Dhabbas phát biểu trên kênh truyền hình Sky News: “Chúng tôi không sợ. Chúng tôi sống như mọi ngày, đến giảng đường, câu lạc bộ hoặc vào những quán ăn yêu thích. Mỹ, Anh sẽ không tấn công. Họ không có quyền làm như vậy”. Rouba Shalhoub, một sinh viên khác, cũng nhận định: “Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tấn công Syria. Mọi người đều thấy sợ hoặc lo lắng cho tương lai nhưng tôi không tin họ sẽ hành động”. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-9
Kỳ tới: Những chuyến xe bão táp
Bình luận (0)