Hãng tin TASS hôm 14-9 cho biết 5 nhà nghiên cứu khoa học trên đảo Troynoy kể rằng trạm thời tiết nơi họ trú đóng bị ít nhất 10 con gấu Bắc Cực trưởng thành bao vây. Một con gấu cái đã ngồi cả đêm bên ngoài cửa sổ và không chịu rời đi.
Các nhà khoa học phải dùng pháo sáng xua đuổi đàn gấu nhưng bắn hết pháo vẫn không có tác dụng. Đàn gấu còn cắn chết 1 con chó đi cùng họ.
Do sự hiện diện của những vị khách không mời nên nhóm chuyên gia thời tiết Nga gặp khó khăn trong việc quan sát các hiện tượng khí tượng. Luật pháp Nga cấm giết gấu Bắc Cực, vì vậy các nhà khoa học chỉ sử dụng pháo sáng và súng bắn đạn cao su.
Ít nhất 10 con gấu Bắc Cực đang trưởng thành bao vây các nhà khoa học Nga trên đảo Troynoy. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Vassiliy Shevchenko, người đứng đầu trạm thời tiết, cho biết tàu thám hiểm Mikhail Somov đã được điều đến cùng với chó và pháo sáng mạnh hơn để giải cứu các nhà khoa học. Tuy nhiên, phải mất 1 tháng con tàu mới đến được hiện trường.
Người này hy vọng những con gấu sẽ rời đi vào cuối tháng 10 khi vùng nước gần bờ ngoài khơi hòn đảo bị đóng băng.
Một tình huống tương tự xảy ra cách đây 1 năm. 5 con gấu Bắc Cực đi tìm thức ăn đã vòng qua một trạm thời tiết của Nga trên đảo Vaygach khiến các chuyên gia tại đây không thể làm nhiệm vụ. “Chúng ngủ gần trạm và tỏ ra rất hung hăng. Gần đây, chúng còn đánh nhau gần trạm của chúng tôi” - một nhà khoa học nói với báo Siberian Times.
Một nhà khoa học nữ mô tả công việc thường ngày ở Bắc Cực: “Khi chúng tôi di chuyển, đầu lúc nào cũng phải quay 360 độ để dè chừng. Hôm qua, chúng tôi ra ngoài và bắt gặp một con gấu gần trạm. Kỹ sư của chúng tôi bắn pháo sáng 3 lần nhưng nó không sợ”.
Việc gấu tiếp cận con người ở Bắc Cực không phải điều hiếm thấy, một phần do rác thải khó xử lý dẫn đến thu hút các loài thú ăn thịt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do biến đổi khí hậu. Băng tan làm nước biển dâng lên buộc loài gấu phải đi xa hơn để tìm kiếm thức ăn.
Bình luận (0)