Theo Reuters, KPSEZ nằm trong khu vực rộng 17 km2, gồm cảng biển nước sâu trị giá 7,3 tỉ USD và một khu công nghiệp trị giá 2,3 tỉ USD, dự kiến thu hút công ty hoạt động trong những lĩnh vực như dệt may và lọc dầu.
Tập đoàn nhà nước Trung Quốc CITIC - đơn vị phát triển chính của KPSEZ - cho biết dự án sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm ở bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất Myanmar. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương chỉ trích dự án được tiến hành vội vã, không có bất kỳ sự tham vấn nào và không quan tâm đến cuộc sống của họ.
Phối cảnh dự án đặc khu kinh tế Kyauk Pyu Ảnh: KYAUKPHYU SEZ
Ít nhất 20.000 người - đa số phụ thuộc vào các ngành nông nghiệp và thủy sản - được cho là có nguy cơ bị di dời để dọn đường cho dự án. Ông Than Htut Oo, thuộc Ban Quản lý KPSEZ, giải thích rằng chính phủ không công bố kế hoạch di dời vì lo ngại gây ra sự hoảng loạn trong khi quá trình đàm phán với nhà phát triển Trung Quốc vẫn đang diễn ra.
Chưa hết, trong lúc những nghiên cứu về tác động của dự án đối với môi trường, đời sống người dân vẫn chưa được tiến hành, CITIC đã yêu cầu Myanmar hoàn tất các điều khoản của hợp đồng vào cuối năm nay để dự án có thể bắt đầu từ năm 2018.
Để xoa dịu dư luận, CITIC cam kết xây dựng một trường dạy nghề để đào tạo các kỹ năng cần thiết cho công nhân trong khu kinh tế. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng lên kế hoạch chi 1 triệu USD/năm trong 5 năm đầu tiên để phát triển KPSEZ và 500.000 USD/năm vào các năm sau đó để cải thiện cuộc sống người dân địa phương. Thế nhưng, cư dân ở Kyauk Pyu cho rằng dự án sẽ không góp phần phát triển địa phương bởi các công ty trong KPSEZ chủ yếu tuyển dụng công nhân Trung Quốc.
Bình luận (0)