Dự án có tổng vốn đầu tư 3,6 tỉ USD và được Trung Quốc hỗ trợ về tài chính nhưng bị đình trệ từ năm 2011.
Dự án thủy điện này tượng trưng cho sự thống trị về kinh tế của Trung Quốc tại Myanmar, đồng thời đặt ra thách thức đối với “nhà lãnh đạo thực quyền” Myanmar, bà Aung San Suu Kyi.
Một ủy ban tư vấn cho chính quyền Naypyidaw về số phận con đập Myitsone hôm 11-11 đã trình báo cáo đầu tiên của họ lên Tổng thống U Htin Kyaw. Báo cáo đánh giá những tác động về môi trường, xã hội, đầu tư nước ngoài, kinh tế và nguồn nước dọc sông Irrawaddy. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tác động môi trường, đầu tư nước ngoài cùng với nguyện vọng của người dân.
Ủy ban trên được thành lập ngày 12-8, gần một tuần trước khi bà Suu Kyi tới thăm Trung Quốc với tư cách tân ngoại trưởng Myanmar. Theo ủy ban này, dự kiến một cuộc họp báo sẽ được tổ chức vào tuần tới để đề cập về báo cáo.
Kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) tiếp quản quyền lực hồi tháng 4, Trung Quốc thúc giục Myanmar nối lại dự án xây đập Myitsone.
Trước đó, các cuộc biểu tình phản đối hoạt động xây đập chủ yếu do người dân nghi ngại phần lớn năng lượng điện tạo ra sẽ “chảy” vào Trung Quốc. Ngoài ra, vị trí xây đập nằm gần một đường nứt địa chấn có thể gây ra lũ lụt trong trường hợp xảy ra động đất, hoặc sự thiếu minh bạch và tham vấn cộng đồng trước khi chính phủ trao dự án cho Bắc Kinh.
Hồi cuối tháng 10, tổ chức phi chính phủ về môi trường Mạng lưới Xanh Myanmar (MGN), kêu gọi chính phủ ngay lập tức chấm dứt dự án, đồng thời nhấn mạnh không muốn xây thêm con đập nào trên hai nhánh sông Mali Hka và N’Mai Hka tạo nên con sông Irrawaddy.
Ông U Win Myo Thu, đồng sáng lập giám đốc điều hành của tổ chức môi trường Ecodev, khuyến cáo ủy ban tư vấn nên phân tích cẩn thận những mặt thuận lợi và bất lợi của dự án cho công chúng và các bên liên quan. “Nếu chính phủ quyết định tiếp tục dự án, công chúng chắc chắn sẽ chống lại nó” – ông Myo Thu nhắc nhở.
Bình luận (0)