Kết quả sơ bộ cho thấy vị tổng thống 67 tuổi có thể tiếp tục giữ chức thêm hai nhiệm kỳ nữa. Điều này có nghĩa sau khi hết nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2024, nếu tái đắc cử, ông Putin sẽ tại vị thêm 16 năm cho đến năm 83 tuổi.
Ông Putin đi bỏ phiếu. Ảnh: RUSSIAN POOL
Ủy ban bầu cử Nga cho biết đã kiểm đếm được 90% số phiếu bầu trên toàn quốc. Trong đó, có 78% ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp, còn số phiếu chống là hơn 21%.
Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào khoảng 65%. Theo quy định, chỉ cần 50% phiếu bầu ủng hộ thì việc sửa đổi hiến pháp sẽ được thông qua.
Người Nga được khuyến khích bỏ phiếu với cơ hội rút thăm trúng thưởng căn hộ và chiến dịch quảng bá cũng nêu bật các sửa đổi khác, như vấn đề lương hưu.
Các khoản thanh toán một lần trị giá 10.000 rúp (tương đương 141 USD) được chuyển cho những người có con nhỏ theo lệnh của ông Putin khi người dân đến điểm bỏ phiếu hôm 1-7, ngày cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 7 ngày nhằm phòng dịch Covid-19.
Người dân bỏ phiếu tại nhà khi thùng phiếu được mang đến. Ảnh: Reuters
Tổ chức phi chính phủ theo dõi các cuộc bầu cử Golos cho biết họ ghi nhận hơn 1.000 vi phạm trong cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử Nga và Bộ Nội vụ cho rằng số lượng vi phạm không đủ để ảnh hưởng đến kết quả cuộc bỏ phiếu.
Ông Mikhail Volkov, một cư dân ở Moscow, cho biết: "Tôi đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi hiến pháp. Chúng tôi cần những thay đổi căn bản".
Người dân đi bỏ phiếu trong thời điểm vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Ảnh: TASS
Trong phát biểu hôm 30-6, ông Putin không đề cập đến việc sửa đổi hiến pháp ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp chính trị của ông.
Tuy ông chủ Điện Kremlin nói rằng ông chưa quyết định về tương lai của mình nhưng các nhà phê bình cho rằng nhiều khả năng ông Putin sẽ tái tranh cử. Trong khi đó, một số nhà phân tích nhận định ông chỉ để ngỏ những lựa chọn nếu tranh cử.
Các nhân viên tại điểm bỏ phiếu mặc trang phục bảo hộ phòng Covid-19. Ảnh: DPA
Bình luận (0)