Để thể hiện lòng trung thành, người lao động Triều Tiên phải làm thêm giờ và tăng năng suất trong mọi lĩnh vực, từ khai thác than đến thủy sản.
Những tấm áp phích tuyên truyền màu đỏ được treo trên khắp cả nước nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt và vượt chỉ tiêu sản xuất.
Công nhân tại công ty giày Wonsan ở tỉnh Kangwon làm việc liên tục. Ảnh: AP
Ông Nam Myong-hu, người giám sát hoạt động tại phòng đông lạnh 5.000 tấn của xí nghiệp thủy sản Sinpho, cho biết: “Công việc trở nên khắc nghiệt hơn bình thường. Không thể phân biệt được đâu là thời điểm bắt đầu và kết thúc công việc. Chúng tôi phải ngủ lại nơi làm việc”.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi về ý nghĩa lâu dài của những nỗ lực này. Do mong muốn gấp rút vượt chỉ tiêu sản xuất, chất lượng sản phẩm có thể bị ảnh hưởng và áp lực báo cáo thành tích tốt có thể dẫn tới kết quả đầu ra thiếu thực tế. Chiến dịch ngắn hạn không những không giải quyết được các vấn đề kinh tế nói chung hiện nay mà còn có thể gây phản ứng ngược.
Các băng rôn tuyên truyền được nhìn thấy khắp nơi. Ảnh này chụp tại công ty phân bón Hungnam ở tỉnh Nam Hamgyong. Ảnh: AP
Triều Tiên thường thực hiện các chiến dịch đại chúng để đẩy mạnh sản xuất trước những sự kiện mang tính bước ngoặt nhiều lần trước đây.
Chiến dịch hiện nay được triển khai từ tháng 2 để chuẩn bị cho đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 tới. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ công bố những thành tựu đạt được, qua đó thể hiện khả năng lãnh đạo của ông trước đại hội. Ngoài ra, ông Kim dự kiến đề ra lộ trình mới về chiến lược chính trị và kinh tế của Triều Tiên trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, Triều Tiên hôm 25-3 tuyên bố đang giam giữ một công dân Mỹ khác, 9 ngày sau khi tuyên án sinh viên Mỹ Otto Warmbier 15 năm tù lao động khổ sai vì tội chống phá chính quyền Bình Nhưỡng.
Theo Bình Nhưỡng, ông Kim Tong-Chol (có nguồn nói là Kim Dong-chul) thừa nhận đã hợp tác và làm gián điệp cho các cơ quan tình báo Hàn Quốc trong một âm mưu lật đổ lãnh đạo Triều Tiên.
Công dân Mỹ gốc Hàn này mô tả hành động của mình là “xấu hổ và không thể tha thứ được”. Ông Kim lấy làm tiếc và kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng khoan hồng. Người này cho biết trong cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng rằng mình đã bị giam giữ ở TP Rason - Triều Tiên từ tháng 10 năm ngoái.
Bình luận (0)