Kế hoạch ngân sách 2018 của ông Trump bao gồm nội dung cắt giảm 37% nguồn tài trợ dành cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thuyết phục Quốc hội đồng ý tại phiên họp chung được tổ chức vào tối 28-2 (giờ địa phương).
Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối kế hoạch này. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham “trù ẻo” đề xuất của ông Trump sẽ “chết yểu”.
“Điều đó sẽ không xảy ra. Đó là một thảm họa. Nếu vứt bỏ quyền lực mềm, bạn sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong cuộc chiến” - Thượng nghị sĩ Graham nhấn mạnh. “Điều đáng lo ngại nhất về cắt giảm ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao là sự thiếu hiểu biết về những gì cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.
“Quyền lực mềm” là thuật ngữ đề cập tới các công cụ ngoại giao như viện trợ nước ngoài và cứu trợ nhân đạo của Mỹ.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cũng nhận định đề xuất của ông Trump nhiều khả năng sẽ không được Quốc hội thông qua.
Theo đài BBC (Anh), Nhà Trắng tin rằng cắt giảm viện trợ nước ngoài có vẻ sẽ hợp lý nhưng các nhân vật theo đường lối bảo vệ nước Mỹ lại nghĩ khác. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói: “Nếu Bộ Ngoại giao không được tài trợ đầy đủ, tôi cần phải mua thêm đạn dược”.
Hơn 120 tướng quân đội về hưu – trước đó ký vào một lá thư yêu cầu Quốc hội bác đề xuất cắt giảm ngân sách của ông Trump – lập luận rằng việc tăng cường ngoại giao và phát triển là hai trong số các yếu tố quan trọng để ngăn ngừa xung đột.
Viện trợ quốc tế trong ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu nhân đạo mà còn hỗ trợ các mục tiêu chính sách. Ví dụ, thông qua các chương trình can thiệp vào lĩnh vực tài chính và tuyển dụng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng góp phần vào cuộc chiến chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Ngoài ra, có thêm tài trợ sẽ giúp Bộ Ngoại giao Mỹ giải quyết bài toán di cư từ Trung Mỹ, đồng thời tăng cường quan hệ với các đồng minh như Afghanistan và Ukraine.
Bình luận (0)