Nhà Trắng trong ngày 27-2 gửi đề xuất ngân sách đến các bộ và cơ quan liên bang, trong đó chi tiêu cho quốc phòng sẽ tăng đáng kể, đúng như cam kết khi tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Tăng cường hiện diện ở biển Đông
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với Reuters rằng trong đề xuất tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc có chi phí đóng thêm tàu, mua thêm máy bay quân sự và “thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở các tuyến đường thủy quốc tế quan trọng” như biển Đông, eo biển Hormuz…
Khi còn tranh cử, ông Trump từng hứa tăng đội tàu chiến của hải quân từ 274 lên 350 chiếc - được đánh giá là tốn khoảng 165 tỉ USD trong 30 năm. Trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị Hành động Bảo thủ (CPAC) hôm 24-2, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục cam kết xây dựng một trong những quân đội mạnh nhất lịch sử. Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc phòng chất vấn về sự cần thiết phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng - hiện ở mức 600 tỉ USD mỗi năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (phải) tại một cuộc họp ở Nhà Trắng mới đây Ảnh: The New York Times
Trong bối cảnh nợ quốc gia đang ở mức gần 20.000 tỉ USD, không có gì khó hiểu khi ông Trump đề xuất giảm bớt ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và những chương trình phi quốc phòng để có thêm tiền cho quân đội.
Một quan chức khác nói thêm ngân sách cho Bộ Ngoại giao có thể bị cắt giảm đến 30%, đe dọa dẫn đến việc tái cơ cấu bộ này và xóa bỏ một số chương trình. Washington hiện cấp khoảng 50 tỉ USD cho Bộ Ngoại giao và hoạt động viện trợ nước ngoài hằng năm.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 26-2 trấn an rằng chính quyền ông Trump sẽ không đề xuất cắt giảm các chương trình xã hội liên bang, như an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare.
Hiện chưa rõ những con số tăng, giảm cụ thể trong đề xuất ngân sách ban đầu nói trên. Ông John Czwartacki, phát ngôn viên Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng, cho biết kế hoạch ngân sách chi tiết sẽ được công bố vào giữa tháng 3.
Các cơ quan có thể tranh luận để xin tăng ngân sách và quốc hội Mỹ sẽ có tiếng nói cuối cùng. Để đáp ứng yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng, quốc hội sẽ phải đồng ý nâng hoặc chấm dứt mức trần chi tiêu dành cho các chương trình quốc phòng và nội địa được áp đặt bởi Đạo luật Kiểm soát ngân sách 2011.
Nhiều sức ép
Theo giới phân tích, ông Trump sẽ đối mặt bài toán khó trong việc làm sao hiện thực hóa toàn bộ lời hứa tranh cử mà vẫn đạt được mục tiêu giảm nợ công, thâm hụt ngân sách.
Kế hoạch giảm nợ công của ông Trump dựa nhiều vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm thuế doanh nghiệp và giảm bớt các quy định bị xem là không cần thiết. Nhóm của ông Trump tin rằng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn sẽ thúc đẩy sản xuất và đầu tư trong nước.
Vấn đề là, theo trang The Hill, ông Trump không đưa ra những biện pháp siết chặt chi tiêu đi cùng với cắt giảm thuế nên không có gì bảo đảm sẽ giải tỏa được nỗi lo về thâm hụt ngân sách (khoảng 587 tỉ USD vào năm 2016).
Trong bối cảnh đó, kế hoạch xây bức tường biên giới với Mexico và đầu tư 1.000 tỉ USD để nâng cấp hạ tầng chắc chắn gặp không ít phản đối tại quốc hội đang do Đảng Cộng hòa (GOP) kiểm soát.
Ông Ed Lorenzen, cố vấn cấp cao của Ủy ban Ngân sách liên bang trách nhiệm - một tổ chức phi lợi nhuận về chính sách công tại Washington, chỉ ra rằng nguyên tắc lâu nay của GOP là cân bằng ngân sách nên không dễ để các nghị sĩ đảng này đáp ứng yêu cầu của “người nhà” đang ngồi trong Nhà Trắng.
Theo tờ The Washington Post, tân tổng thống Mỹ còn chịu sức ép đang tăng từ quốc hội về việc cung cấp chi tiết kế hoạch thay thế Đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (còn gọi là Obamacare) - vấn đề cũng gây chia rẽ không ít trong chính nội bộ của GOP. Nhiều nghị sĩ lo ngại dỡ bỏ Obamacare sẽ làm xáo trộn các thị trường bảo hiểm và chương trình trợ cấp y tế Medicaid đang được 76 triệu người Mỹ tham gia.
Bài diễn văn đầu tiên trước lưỡng viện quốc hội ngày 28-2 được xem là cơ hội để ông Trump trấn an những người còn lo ngại về đường lối chính sách của mình. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tiết lộ bài phát biểu này sẽ chỉ đề cập chung chung về một loạt chủ đề, như chăm sóc sức khỏe, việc làm, hạ tầng, an ninh biên giới. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ cung cấp kế hoạch chi tiết về 2 vấn đề cải cách thuế sâu rộng và chăm sóc sức khỏe vào giữa tháng tới.
Sắc lệnh nhập cư đe dọa kinh tế Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ký sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư và tị nạn vào ngày 1-3, hãng thông tấn AP dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết.
Sắc lệnh ban đầu - được ký ban hành ngày 27-1 - tạm thời ngừng nhập cảnh đối với công dân của 7 quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo nhưng bị thẩm phán liên bang chặn đứng vô thời hạn.
Để tránh rắc rối pháp lý, ông Trump quyết định đưa ra một sắc lệnh mới chỉ có chút “khác biệt kỹ thuật nhỏ”, theo cố vấn cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa John Kelly gọi sắc lệnh sau sẽ là một phiên bản “chặt chẽ và hợp lý hơn” so với sắc lệnh ban đầu vốn châm ngòi cho những cuộc biểu tình lớn cả trong và ngoài nước.
Không khó để nhìn thấy “cái giá” phải trả của chính sách hạn chế nhập cư của ông Trump. Chiến dịch trấn áp, trục xuất “tội phạm nhập cư” đòi hỏi chính quyền mới phải tuyển thêm ít nhất 10.000 nhân viên trong lúc bức tường biên giới với Mexico ước tính cần từ 12-21 tỉ USD.
Nhiều người lo ngại kinh tế Mỹ cũng phải trả giá không ít cho lời hứa “khiến nước Mỹ an toàn trở lại” của tân chủ nhân Nhà Trắng, theo tạp chí New York. Chưa gì mà ngành du lịch nước này đã bắt đầu thấm đòn. Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh du lịch toàn cầu (GBTA), thiệt hại trong hoạt động đặt vé du lịch ở tuần đầu tiên, sau sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump được ban hành, đã lên tới 185 triệu USD do sự mất niềm tin của các du khách.
Kết quả khảo sát mới nhất của trang Bloomberg cho thấy có tới 70% chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng lệnh cấm nhập cư sẽ ít hoặc không tác động tới GDP nước Mỹ trong năm 2017 nếu được duy trì.
Tuy nhiên, nếu lệnh cấm được mở rộng, nước Mỹ sẽ phải đối mặt một đe dọa lớn hơn. Theo nhà kinh tế Brian Schaitkin của Tổ chức Nghiên cứu Conference Board (Mỹ), các công dân từ 7 nước trong lệnh cấm ban đầu - bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria - dù không nhiều nhưng lại chiếm tỉ lệ cao về trình độ học vấn và kỹ năng. Theo đó, khả năng những người nhập cư đến từ những nước nói trên có bằng tiến sĩ và cử nhân cao hơn người Mỹ.
Thu Hằng
Bình luận (0)