Dù chính thức được công bố là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa (GOP) tranh cử tổng thống Mỹ trong ngày thứ hai đại hội toàn quốc hôm 19-7, tỉ phú Donald Trump không phải là ngôi sao thực sự trên “sân khấu” của chính mình.
Dè dặt
Theo tờ The New York Times, chính đối thủ của ông này bên Đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton - mới là cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Một trong những bằng chứng rõ ràng hơn cả là bài phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan tại Nhà Thi đấu Quicken Loans Arena, nơi diễn ra đại hội tại TP Cleverland, bang Ohio đêm 19-7. Ông này hầu như không đả động tới ông Trump mà chỉ tập trung “vùi dập” bà Clinton.
Theo tạp chí Fortune, đến khi ngừng nói về đối thủ, ông Ryan cũng “quên” tán dương “gà nhà” mà chỉ tung hô GOP nói chung. Trước đó, khi vị chủ tịch hạ viện phát biểu trước các đại biểu tại bang Wisconsin quê nhà, cái tên Donald Trump thậm chí không một lần xuất hiện.
Các con của ông Donald Trump mừng cha chính thức trở thành ứng viên Đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ
Ảnh: REUTERS
Cũng giống người đứng đầu hạ viện, lãnh đạo phe đa số của GOP tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell dành phần lớn bài phát biểu tại đại hội để lý giải vì sao các cử tri nên chống lại bà Clinton hơn là vì sao họ nên ủng hộ ông Trump. Thượng nghị sĩ bang Kentucky nhắc tới nữ ứng viên sáng giá Đảng Dân chủ tới 13 lần, trong khi ông Trump chỉ “xuất hiện” 5 lần.
Cũng không thể trách các lãnh đạo GOP. Ông Trump vốn không phải là người họ ủng hộ trong các cuộc bầu cử sơ bộ, thế nên sự lúng túng và dè dặt là dễ hiểu. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận đại gia bất động sản này đã trở thành gương mặt của đảng trong chặng đua cuối cùng vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Giới chức GOP đành đứng về phía nhân vật mà một năm trước họ không bao giờ tưởng tượng sẽ giành được vị trí này.
Theo báo USA Today, trong các bài phát biểu tại đại hội cũng như trao đổi với truyền thông, các lãnh đạo GOP bên cạnh thái độ dè dặt nói trên còn thể hiện rõ sự không đồng tình với một số chính sách, thủ thuật của ông Trump. Ngoài ra, một số người lo sợ kịch bản xấu nhất: Sự thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống có thể gây ra hậu quả “tàn khốc” cho GOP. Chính vì vậy, đài ABC News nhận định dù đã có được tấm vé đề cử của GOP, ông Trump vẫn không có được sự ủng hộ của một đảng thật sự đoàn kết. Một khi không hàn gắn nổi sự rạn nứt trong nội bộ GOP, người ta không rõ ông Trump sẽ làm gì để thống nhất một nước Mỹ rộng lớn hơn nếu trở thành tổng thống.
Thu hẹp khoảng cách
Trong nỗ lực đập tan những hoài nghi nói trên, cố vấn cấp cao Paul Manafort của chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump tự tin rằng vị tỉ phú đến từ TP New York này đã làm thay đổi bộ mặt GOP. Viên cố vấn thậm chí so sánh “sếp” mình với sự trỗi dậy của vị tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan năm 1980 - người đã chuyển GOP sang hướng bảo thủ hơn.
Giới quan sát cũng cho rằng dù thắng cử hay không thì ông Trump đã thay đổi GOP. Nhiều chính sách kinh tế, di dân, ngoại giao… “lọt tai” nhiều cử tri mà ông Trump dùng để đánh bại các đối thủ trong những cuộc bầu cử sơ bộ nhưng có khi đi ngược lại truyền thống của GOP. Đó là chưa kể tới xuất thân không phải là một chính khách của ông Trump. Thậm chí, ông từng có thời gian là thành viên của Đảng Dân chủ và mới gia nhập GOP từ năm 2009.
Dù vậy, cuộc thăm dò dư luận mới nhất trên toàn nước Mỹ cho thấy ứng viên tổng thống của GOP đang thu hẹp khoảng cách về tỉ lệ ủng hộ với đối thủ H. Clinton. Kết quả cuộc khảo sát do hãng tin Reuters/Công ty Ipsos công bố đêm 19-7 (giờ Mỹ) cho thấy 43% cử tri đăng ký đi bầu được hỏi ủng hộ cựu ngoại trưởng Mỹ trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng, trong khi 36% tin tưởng ông Trump sẽ là tổng thống thứ 45 của xứ cờ hoa. Như vậy, bà Hillary dù vẫn dẫn trước ông Trump nhưng khoảng cách chỉ còn 7% so với cách biệt 15% theo kết quả thăm dò công bố cuối tuần trước.
Lý do được cho là sự sụt giảm của số cử tri trung lập. Theo đó, tỉ lệ cử tri chưa quyết định ủng hộ ứng viên nào đã giảm còn 12% trong cuộc thăm dò từ ngày 15 đến 19-7 so với mức 15% trong cuộc thăm dò giai đoạn ngày 10 đến 14-7. Ngoài ra, việc chính thức được đề cử cũng có thể là chất xúc tác giúp tỉ lệ ủng hộ ông trùm bất động sản tăng lên.
Cứng rắn hơn với Trung Quốc
So với 4 năm trước, cương lĩnh chính sách mới của GOP được thông qua tại đại hội toàn quốc hôm 18-7 thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, GOP khi đó hoan nghênh “sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng”. Thái độ tích cực đó nay biến thành: “Hành vi của Trung Quốc đã phủ định ngôn ngữ lạc quan của cương lĩnh trước đây về mối quan hệ tương lai với Trung Quốc”. Cương lĩnh mới của GOP đặc biệt chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông là “phi lý”. Về vấn đề thương mại, cương lĩnh mới nhấn mạnh không thể để Trung Quốc tiếp tục thao túng đồng nội tệ và một tổng thống thuộc GOP sẽ sẵn sàng thực thi các biện pháp đối phó những quốc gia nào hoạt động thương mại thiếu công bằng.
Cương lĩnh nói trên bao gồm những đường lối đối nội và đối ngoại của Mỹ theo lập trường của GOP, từ đó định hướng việc hoạch định chính sách của GOP ở mọi cấp chính quyền. Tuy nhiên, cương lĩnh này không ràng buộc và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tỉ phú Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên này không ít lần cáo buộc Trung Quốc cướp việc làm của người Mỹ và gian lận trong thương mại toàn cầu. Ông thậm chí đề xuất đánh thuế 45% mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giữa lúc thâm hụt thương mại giữa 2 nước đạt mức kỷ lục 370 tỉ USD hồi năm ngoái.
Cũng cứng rắn không kém với Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20-7 ám chỉ Washington sẽ can thiệp tranh chấp ở biển Đông nếu cần thiết và mở lời đề nghị Úc cùng tham gia nỗ lực này. Phát biểu tại TP Sydney, ông Biden tập trung nhấn mạnh mối quan hệ liên minh Mỹ - Úc cũng như bóng gió việc nước này sẽ hiện diện nhiều hơn ở Thái Bình Dương và biển Đông. Phó Tổng thống Biden cho rằng tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực không thể đạt được nếu thiếu hòa bình và ổn định. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ là quốc gia đứng ra bảo đảm an ninh hàng hải và tự do hàng không trong khu vực. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ và Úc đang có kế hoạch tăng cường phối hợp để phản ứng hiệu quả hơn những thách thức ở Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng leo thang ở biển Đông.
Xuân Mai
Bình luận (0)