Tại Washington, ông Trump nói với các phóng viên rằng Mỹ chưa có bằng chứng ông Navalny bị đầu độc nhưng cũng không có lí do nghi ngờ việc Đức tìm thấy độc chất thần kinh trong cơ thể chính trị gia này.
"Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra. Thật là bi thảm, khủng khiếp. Điều này không nên xảy ra. Chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng nhưng tôi sẽ xem xét. Thật thú vị là tất cả mọi người luôn nhắc đến Nga nhưng tôi nghĩ có lẽ vào thời điểm này, Trung Quốc mới là nước cần được nhắc đến nhiều hơn so với Nga" - tờ Guardian trích lời tổng thống Mỹ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" đối với Nga sau phát hiện của Đức.
Tổng thống Donald Trump lần đầu lên tiếng về vụ chính trị gia Alexei Navalny. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi Nga tiết lộ chương trình chất độc thần kinh Novichok của nước này sau vụ việc của ông Navalny. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói các nước thành viên đều chỉ trích vụ tấn công "kinh khủng". Theo ông Stoltenberg, việc ông Navalny bị trúng chất độc thần kinh Novichok có "bằng chứng không thể nghi ngờ".
Phát biểu tại một cuộc họp khẩn của NATO, ông Stoltenberg nói Điện Kremlin "phải hoàn toàn hợp tác với Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) trong một cuộc điều tra quốc tế khách quan" và "kêu gọi Nga cung cấp toàn bộ thông tin về chương trình Novichok với OPCW".
Novichok từng được sử dụng để đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal và con gái ông tại Anh vào năm 2018. Anh cáo buộc cơ quan tình báo quân sự của Nga gây ra vụ tấn công, khiến 20 nước trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao và gián điệp của Nga. Điện Kremlin phủ nhận việc có liên quan đến vụ đầu độc này.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh vụ của ông Navalny khác với vụ của cha con ông Skripal. "Chúng tôi tin rằng đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế nên nó cần sự phản ứng của quốc tế. Nhưng tôi sẽ không suy đoán chính xác loại phản ứng nào sẽ xảy ra" - ông Stoltenberg nói.
Nhiều nghị sĩ cấp cao của Nga đã bác bỏ yêu cầu mới nhất của NATO. "Trước khi các chuyên gia xác nhận hay phủ nhận việc sử dụng các chất hóa học tuân theo Công ước Vũ khí Hóa học, việc kêu gọi sự tham gia của OPCW, theo quan điểm của tôi, là động thái chính trị hóa" - trích lời ông Konstantin Kosachev thuộc Hội đồng Liên bang Nga.
Bình luận (0)