Trong nhiều ngày qua, Mỹ liên tục cảnh báo nguy cơ những phần tử Al-Qaeda tấn công khủng bố thủ đô Anh, Pháp và Đức theo kiểu Mumbai 2008. Sự nhiệt tình này tuy nhiên không được các nhà lãnh đạo châu Âu chia sẻ hoàn toàn.
Một khách sạn 5 sao ở Mumbai bị tấn công khủng bố năm 2008. Ảnh: AP
Đức: Không có gì mà ầm ĩ!
Chính phủ Đức, ngày 4-10, đã chính thức “hạ nhiệt” mức báo động của Mỹ. Đài truyền hình Mỹ Fox News dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, ông Thomas de Maizière, xác định rằng “hiện giờ không có dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ Đức bị tấn công ngay tức thời. Do đó, không có lý do gì để hoang mang sợ hãi”.
Theo Fox News, bọn khủng bố Al-Qaeda có ý định tấn công khách sạn Adlon nằm bên cạnh cổng Brandenburg và nhà ga trung tâm mới. Ông de Maizière, một chức sắc cao cấp trong Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Thủ tướng Angela Merkel, nhấn mạnh rằng những mục tiêu vừa kể không có gì mới, tình báo Đức “đã biết hơn hai năm nay”.
Đức là mục tiêu tấn công “dài hạn” của các phần tử Hồi giáo cực đoan bởi đang có 4.590 quân tác chiến ở Afghanistan, đứng hàng thứ ba trong lực lượng quân sự quốc tế về số lượng.
Đức cũng đang có 400 phần tử Hồi giáo cực đoan trong nước, bao gồm nhiều người đã trải qua các khóa học quân sự trong các trại huấn luyện của Al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan và những chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến trường Afghanistan.
Con số này đang gia tăng, theo Joerg Ziercke, chỉ huy trưởng lực lượng BKA chống khủng bố và tội phạm hình sự.
Pháp cũng tỏ vẻ nghi ngờ Al-Qaeda Pakistan đứng sau những lời đe dọa tấn công khủng bố tháp Eiffel và Nhà thờ Đức bà Paris. Một quan chức cao cấp của Pháp tuyên bố: “Vấn đề của chúng tôi là Bắc Phi, cụ thể là tổ chức Al-Qaeda Hồi giáo Bắc Phi (AQMI), không liên quan đến Pakistan”.
Quan chức Mỹ tự mâu thuẫn
Tại Mỹ, các quan chức cao cấp ở Washington cũng có những nhận định mâu thuẫn với cảnh báo mới nhất mà họ dành cho các nước châu Âu. Tháng 6 vừa qua, Leon Panetta, Giám đốc CIA, nhận định rằng ở Afghanistan chỉ còn chừng 50-100 tên Al-Qaeda.
Michael Leiter, Giám đốc Trung tâm Quốc gia chống khủng bố, cũng tin rằng ở Pakistan chỉ còn nhiều lắm 300 tên Al-Qaeda và tổ chức này yếu hơn năm 2001 (năm xảy ra sự kiện 11-9) rất nhiều.
Richard Holbrooke, đặc phái viên của Tổng thống Obama tại Afghanistan, cũng tuyên bố hùng hồn rằng Al-Qaeda đã xuống dốc nghiêm trọng và đang chịu nhiều sức ép (từ Mỹ và đồng minh). Vậy thì tại sao Mỹ làm như châu Âu sắp bị tấn công đến nơi?
Đành rằng chính quyền Mỹ chưa bao giờ nói Al-Qaeda không còn là mối đe dọa nhưng với những nhận định nói trên thật khó mà tưởng tượng rằng trong vòng có 3 tháng, Al-Qaeda hồi sinh một cách mạnh mẽ để có thể vạch ra một kế hoạch hoành tráng và tổ chức thực hiện những cuộc tấn công ngoạn mục ở các nước lớn châu Âu, như cảnh báo của Mỹ.
Làm sao Al-Qaeda có thể làm được điều đó trong khi 150.000 quân Mỹ và các nước đồng minh phương Tây ở Afghanistan ngày đêm tấn công liên tục tàn quân của Al-Qaeda và Taliban ở Afghanistan cũng như ở Pakistan?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maizière. Ảnh: AFP
Một cách biện minh
Một bài báo đăng trên tờ The Christian Science Monitor của Mỹ số ra ngày 1-10, chạy hàng tít lớn: “Có thật cuộc tấn công khủng bố kiểu Mumbai đã bị “đập tan”?”.
Theo tiết lộ của tình báo Mỹ trên các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, cuộc tấn công nói trên đã bị gián đoạn ngay ở giai đoạn đầu khi máy bay không người lái của Mỹ giết chết được một phần tử khủng bố mang quốc tịch Anh được cho là đứng đằng sau âm mưu tấn công khủng bố kiểu Mumbai ở châu Âu hôm 8-9 vừa qua. Tên tuổi người này được xác định là Abdul Jabbar.
Sự thật là, theo tờ báo nói trên, “nguy cơ” đe dọa các thủ đô châu Âu hiện nay là “chuyện thường ngày từ nhiều năm nay”.
Vả lại, tầm vóc của nó cũng thấp hơn cách đây 10 năm. Lúc đó, trình độ theo dõi và phá vỡ các âm mưu khủng bố của giới tình báo không “siêu đẳng” như bây giờ.
Đó chính là lý do mà chính phủ Đức, Anh và Pháp vẫn giữ mức báo động nghiêm trọng nhưng chưa phải là mức cao nhất, bất chấp cảnh báo của Mỹ.
Tờ báo nhắc lại, kể từ sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ và vụ tấn công hệ thống xe điện ngầm ở London năm 2005 làm 52 công dân Anh chết, Al-Qaeda và các tổ chức Hồi giáo cực đoan chưa có “thành quả” nào khác ở Mỹ và châu Âu.
Một lý do khác để tin rằng chưa thể có ngay mối đe dọa tức thì khiến người ta phát hoảng khi các nhà tình báo phương Tây thừa nhận rằng chưa tìm thấy bằng chứng cụ thể nào cho thấy 2 người Anh và 8 người Đức đứng đằng sau âm mưu tấn công châu Âu đã hội đủ những điều kiện để thực hiện mối đe dọa. Tất cả mới chỉ là khát vọng.
Một quan chức an ninh Pakistan giấu tên cũng nói với hãng tin AP rằng qua nghe lén những cuộc điện đàm giữa các phần tử khủng bố với đồng bọn ở London (Anh), Hamburg (Đức) rõ ràng chúng chưa có gì trong tay, kể cả súng và lựu đạn để thực hiện những cuộc tấn công đẫm máu kiểu Mumbai.
Nại cớ nguy cơ khủng bố đến từ hang ổ Al-Qaeda ở Pakistan với những công dân châu Âu gốc Afghanistan và Pakistan đã và đang được đào tạo tại các lò khủng bố Al-Qaeda, theo The Christian Science Monitor, mục đích cuối cùng của Mỹ là biện minh cho việc tăng cường chiến dịch oanh kích ở Pakistan, một hành vi mà Pakistan cho rằng xâm phạm chủ quyền Pakistan, khiến người dân nước này phẫn nộ.
Bình luận (0)