Đề xuất dài 18 trang mà tờ The New York Times (Mỹ) có được và đăng tải hôm 11-7 cho thấy Trung Quốc sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt và hàng chục dự án khác. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ nhận được nguồn cung cấp dầu thường xuyên, được giảm giá mạnh từ Tehran trong 25 năm tới, theo một quan chức Iran giấu tên.
Tài liệu cũng mô tả sự tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, qua đó có thể giúp Trung Quốc có chỗ đứng trong khu vực từng là mối bận tâm chiến lược của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Theo tờ The New York Times, thỏa thuận này nhằm đáp trả nỗ lực cô lập Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một khi văn kiện có hiệu lực và những nội dung trên không có gì thay đổi, quan hệ Iran - Trung Quốc có thể trở thành điểm nóng mới, đe dọa làm xấu hơn nữa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài ra, thỏa thuận còn được xem là đòn mạnh giáng vào chính sách cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Iran kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015.
Một cơ sở dầu tại TP Abadan - Iran Ảnh: REUTERS
Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến kinh tế Iran chịu tổn thất, từ đó đẩy Teheran vào vòng tay của Bắc Kinh. Trong khi đó, một thỏa thuận tiềm tàng với Iran cho thấy Trung Quốc cảm thấy họ có thể thách thức Mỹ, đủ mạnh mẽ để chống lại các biện pháp trừng phạt của Washington, như những gì diễn ra trong thương chiến Trung - Mỹ.
"Iran và Trung Quốc đều xem thỏa thuận này là một quan hệ đối tác chiến lược, không chỉ giúp mở rộng lợi ích của họ mà còn nhằm đối đầu với Mỹ" - chuyên gia Ali Gholizadeh, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nhận định.
Tuy nhiên, một số ý kiến tại Iran lo ngại chính phủ nước này đang bí mật "bán rẻ" đất nước cho Trung Quốc vào thời điểm kinh tế khó khăn và bị cô lập. Bên cạnh đó, có chuyên gia nhận định cơ hội vẫn còn, dù không nhiều, cho một thỏa thuận mới giữa Tehran và Washington trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trước mắt, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ tiếp tục mạnh tay với các công ty Trung Quốc bị xem là đang giúp đỡ Iran. Ngoài ra, trong động thái gia tăng hơn nữa sức ép lên Bắc Kinh, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien dự kiến đến Pháp trong ngày 13-7 để thảo luận với các quan chức châu Âu về chính sách liên quan đến Trung Quốc. Theo trang Politico, các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào sự cạnh tranh giữa phương Tây và Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, như mạng di động 5G, chuỗi cung ứng…
Bình luận (0)