xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đằng sau cái chết của Akhtar Mansour

NGUYỄN CAO

Giáo sĩ thủ lĩnh Taliban bất ngờ bị máy bay không người lái Mỹ bắn hạ hôm 21-5 khiến tương lai cuộc hòa đàm giữa Taliban và chính phủ Afghanistan trở nên bất định

Nói bất ngờ vì tỉnh Balochistan, nơi giáo sĩ Hồi giáo Akhtar Mansour bị không kích, nằm ngoài vùng hoạt động truyền thống của máy bay không người lái (UAV) Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên UAV Mỹ xâm nhập hang ổ của Taliban bên trong lãnh thổ Pakistan theo mật lệnh của Tổng thống Barack Obama khiến chính phủ Islamabad phản đối ầm ĩ vì cho rằng “xâm phạm chủ quyền Pakistan” hoặc chí ít không được báo trước.

Chết vì được bảo kê

Tại hiện trường cuộc phục kích, người ta tìm thấy một cuốn hộ chiếu mang tên Muhammad Wali nhưng dán ảnh Mansour. Một quan chức cao cấp Mỹ giấu tên cho biết trong 10 năm qua, với cái tên giả này, Mansour đã ra nước ngoài 37 lần. Hầu hết các chuyến đi này mang tính công vụ. Riêng ngày 24-4, Mansour qua Iran khám sức khỏe và thăm gia đình sinh sống ở đây từ nhiều năm nay. Đó cũng là chuyến xuất ngoại cuối cùng của y.

Thi thể tài xế Azam và giáo sĩ Mansour (trong quan tài) Ảnh: Reuters
Thi thể tài xế Azam và giáo sĩ Mansour (trong quan tài) Ảnh: Reuters

Ngày 21-5, trong cuộc hành trình dài 450 km từ biên giới Iran quay về Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, bằng taxi - một chiếc Toyota Corola màu trắng - Mansour chỉ dừng lại một lần ở thị trấn Ahmad Wal, cách biên giới Afghanistan 35 km đường chim bay, để dùng cơm trưa. Mansour hoàn toàn không hay biết có một chiếc UAV loại Reaper của quân đội Mỹ - chứ không phải của CIA như thông tin ban đầu - theo sát y suốt cuộc hành trình ở phía bên kia biên giới.

Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal dẫn lời một viên chức Mỹ cho biết: Chiếc Reaper cất cánh từ một địa điểm bí mật ở Afghanistan do phi công của JSOC (Bộ Chỉ huy Liên quân Mỹ đặc trách các chiến dịch đặc biệt) điều khiển từ Mỹ (Fort Bragg, bang Bắc Carolina). Nó lẳng lặng bay rất thấp theo sườn núi dọc biên giới để tránh ra-đa và máy bay tiêm kích Pakistan trước khi bất ngờ vượt biên giới vào giờ G để “tiêu diệt mục tiêu” lúc chiếc Toyota đã chạy được 2/3 hành trình trên quốc lộ N-40. Chiếc UAV này còn có thời gian để bay vòng lại hiện trường kiểm tra kết quả rồi biến mất không ai thấy.

Từ nhiều năm qua, UAV của CIA thỉnh thoảng tiến hành những vụ không kích ở Pakistan theo thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Pakistan nhưng chỉ giới hạn trong Khu vực Dân tộc tự trị Liên bang Pakistan. Trong khi đó, Balochistan, tỉnh lớn nhất của Pakistan giáp ranh với Iran và Afghanistan, nằm ngoài tầm hoạt động UAV của quân đội Mỹ và CIA, theo một giới chức an ninh Pakistan. Có thể đó là một trong nhiều lý do để Mansour - từng được Islamabad công khai xác nhận cho “ở đậu” - sinh ra lơ là, mất cảnh giác và sập bẫy.

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Nhờ đâu tình báo Mỹ lần ra dấu vết thủ lĩnh Akhtar Mansour, người được cho là khôn ngoan và đầy mưu lược, đang xốc lại thành công một tổ chức từng lâm vào cảnh “năm phe bảy phái”chỉ sau một thời gian ngắn được bầu làm lãnh đạo? Khác với người tiền nhiệm là giáo sĩ “độc nhãn” Mohammed Omar hiếm khi ra khỏi tổng hành dinh Taliban ở Kandahar, tỉnh miền Nam Afghanistan, Mansour xuất ngoại nhiều nên dễ bị lộ. Mất 11 năm truy sát bất thành Mohammed Omar nhưng chỉ cần 10 tháng, Mỹ đã giết được Akhtar Mansour kể từ khi y chính thức kế nhiệm giáo sĩ Omar.

Do UAV không thể thường xuyên hoạt động bên trong lãnh thổ Pakistan, các nguồn tin tình báo chủ yếu về Mansour được thu thập qua hệ thống nghe lén điện thoại và một số phương tiện điện tử khác. Tuy nhiên, theo phân tích của The Wall Street Journal, rất có thể Mỹ đã cài được nội gián vào Taliban hoặc trong nội bộ tổ chức này có kẻ phản bội. Theo các nguồn tin mà tờ báo dẫn lại, tình báo Mỹ biết rõ ngày Mansour qua Iran và ngày trở về Quetta. Quân báo Mỹ còn biết “đối tượng” dùng điện thoại vệ tinh loại gì.

Tin Mansour bị UAV Mỹ bắn chết bằng 2 quả tên lửa Hellfire được Tổng thống Obama, khi ấy đang viếng thăm Việt Nam, xác nhận trên nhật báo The New York Times ngày 23-5. Tiếp đó, chính quyền Pakistan cũng xác nhận Mansour đã chết sau xét nghiệm ADN. Đồng thời, Bộ trưởng Nội vụ Chaudhry Nisar Ali Khan không quên mô tả vụ (sát hại) Mansour “hoàn toàn đi ngược lại Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế”. Ông cũng cảnh báo vụ này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ Pakistan - Mỹ.

Chuyện một chiếc UAV của quân đội Mỹ triệt hạ giáo sĩ Akhtar Mansour đã khơi dậy nhiều câu hỏi ở Washington và Kabul. Theo đài truyền hình Úc ABC News, cuốn hộ chiếu mang tên giả Muhammad Wali của Mansour được đóng dấu thị thực thật. Ngoài cuốn hộ chiếu, người ta còn tìm thấy giấy căn cước thật mang tên giả Muhammad Wali của Mansour. Câu hỏi đặt ra là giáo sĩ Mansour nói riêng và tổ chức Taliban nói chung có mối quan hệ thế nào với cơ quan tình báo và quân đội Pakistan. Câu hỏi kế tiếp là làm thế nào Mansour, công dân Afghanistan, được cấp hộ chiếu và giấy căn cước Pakistan để có thể xuất cảnh sang Iran một cách tự do như vậy?

Phía Pakistan cũng có một số nghi vấn đối với Mỹ. Haroon Rashid, biên tập viên Pakistan của đài BBC, thắc mắc: “Lúc thì họ (Mỹ) thúc đẩy hòa giải, lúc thì họ ra đòn trí mạng. Có vẻ như họ đã đi lầm đường trong việc tìm kiếm một lối thoát tao nhã ra khu vực bất an này. Mansour đến Iran với một hộ chiếu Pakistan và visa thật để làm gì? Tại sao không ai lên án Iran mà lại chĩa mũi dùi vào Pakistan?”.

Gia đình tài xế taxi kiện Mỹ

Tài xế taxi Muhammad Azam cũng bị chết cháy chung với giáo sĩ Mansour. Nhật báo Mỹ The Washington Post cho biết ngày 25-5, Muhammad Qasim, anh của Azam, đã trình báo vụ việc với cảnh sát Pakistan, trong đó tố cáo Mỹ can tội giết người, khủng bố và phá hoại tài sản công dân Pakistan. “Tôi yêu cầu phải đưa người Mỹ ra tòa xét xử” - ông cho biết nhưng thừa nhận không rõ ai là người ra lệnh ném bom để kiện đích danh.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng tài xế chở giáo sĩ Mansour cũng là một phần tử khủng bố cho nên không có thường dân nào bị hại. Qasim đã bác bỏ lập luận của Mỹ. Theo ông, tài xế taxi Azam không liên quan gì đến Taliban và giáo sĩ Mansour chỉ là một khách hàng như bao nhiêu người khác. “Em tôi hoàn toàn vô tội và rất nghèo. Bốn người con của em tôi còn nhỏ, biết sống ra sao đây vì Azam là trụ cột gia đình?” - ông băn khoăn.

Kỳ tới: Người bí ẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo