xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đằng sau cuộc không kích bí ẩn

NGÔ SINH

Thông điệp từ cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Syria năm 2007 là Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ công trình nào đe dọa đến sự tồn tại của họ

Quân đội Israel vừa xác nhận bí mật được giữ kín hơn 10 năm qua: Họ đã không kích phá hủy một cơ sở bí mật nghi là lò phản ứng hạt nhân ở miền Đông Bắc Syria hôm 6-9-2007. Đây là một trong những chiến dịch quân sự thành công nhất của quân đội Israel, theo đánh giá của báo Haaretz.

Thành công kinh ngạc

Theo tài liệu mới được giải mật, quân đội Israel từ cuối năm 2006 đã tập trung chú ý một tòa nhà lớn hình lập phương đang xây dựng giữa sa mạc ở Syria, không xa tỉnh Deir al-Zor. Theo thời gian, giới chức Israel thêm nghi ngờ tòa nhà đang che giấu dự án bí mật của Tổng thống Bashar Assad: lò phản ứng hạt nhân được sản xuất ở Triều Tiên.

Đằng sau cuộc không kích bí ẩn - Ảnh 1.

Một phi công leo lên chiếc F-15I, thuộc phi đội 69 không lực Israel, trước chiến dịch ném bom lò phản ứng hạt nhân Syria Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Theo báo The Jerusalem Post, cơ quan tình báo Israel Mossad xác nhận sự tồn tại của lò phản ứng Syria vào tháng 3-2007 khi có trong tay ảnh chụp lò phản ứng đang được xây dựng gần dòng sông Euphrates. Theo họ, cơ sở ở Syria không khác gì mấy khu phức hợp hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên, nơi sản xuất plutoni cho bom hạt nhân. Khi đó, cơ sở này được cho là sẽ đi vào hoạt động, sản xuất vật liệu phóng xạ cao sau vài tuần nữa. Ông Amir Peretz, bộ trưởng quốc phòng thời điểm đó, kể lại: "Khi ấy, chúng tôi có thông tin tình báo nhưng lại rơi vào tình thế khó xử cả về quân sự và ngoại giao".

Vụ không kích này gợi nhớ lại cuộc tấn công của Israel vào lò phản ứng đang được xây dựng ở Iraq năm 1981, được cho là đã ngăn Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể đã được sử dụng trong cuộc chiến vùng Vịnh 10 năm sau đó. "Thông điệp từ cuộc tấn công năm 2007 là Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ công trình nào đe dọa đến sự tồn tại của nước này. Đây đã là thông điệp hồi năm 1981, năm 2007 và cũng là thông điệp tương lai gửi đến những kẻ thù của chúng tôi" - tướng Gadi Eisenkot, tham mưu trưởng quân đội Israel, tuyên bố.

Với Israel, cuộc không kích nói trên là thành công đáng kinh ngạc bởi nó không chỉ phá hủy địa điểm được cho là cơ sở hạt nhân mà còn ngăn tình hình trở nên xấu thêm và tăng cường sức răn đe tại khu vực. Đây là dấu ấn đáng kể nhất của ông Ehud Olmert, thủ tướng Israel khi đó. Gọi đây là một trong những quyết định quan trọng và khó khăn nhất của mình, ông Olmert cũng nhờ chiến dịch không kích bí mật này mà vớt vát uy tín phần nào sau khi dẫn dắt Israel vào một cuộc chiến tranh thất bại ở Lebanon năm trước đó (2006).

Thất bại tình báo

Các bộ trưởng và giới chức Israel dĩ nhiên là tự hào về cuộc không kích năm xưa. Trả lời phỏng vấn báo The Jerusalem Post, ông Peretz kể rằng đã triệu tập cuộc họp đầu tiên bàn về cơ sở trên với giới chức hàng đầu Israel hồi tháng 4-2007 và khi đó đã quyết định chuẩn bị mọi phương án có thể để phá hủy nó. Mọi người tham dự cuộc gặp này đều ký thỏa thuận giữ bí mật và nhóm họp gần như hằng tuần cho đến đầu tháng 9.

Trong mấy tháng tiếp theo, Thủ tướng Olmert tích cực thúc giục Tổng thống Mỹ George W. Bush tấn công cơ sở nêu trên. Tháng 7-2007, sau khi ông chủ Nhà Trắng từ chối ra tay, nội các an ninh của ông Olmert vẫn kết luận nơi này phải bị phá hủy. Thế là ngay trước nửa đêm 5-9-2007, 4 chiếc F-15 và 4 chiếc F-16 cất cánh, xâm nhập không phận Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Vào khoảng 1 giờ 40 đến 1 giờ 53 phút hôm sau, các phi công Israel đã trút khoảng 17 tấn bom phá hủy cơ sở hạt nhân sắp vận hành của Syria.

Sau cuộc không kích, cả Israel và ông Assad đều giữ im lặng. Syria dĩ nhiên không muốn thừa nhận họ vi phạm các cam kết quốc tế. Trong khi đó, Israel cho rằng nếu họ không công khai nói về cuộc tấn công, ông Assad sẽ nén tự ái và không có động thái trả đũa.

Đây là một chiến dịch táo bạo, đầy nguy hiểm đã được thực hiện bởi không lực, cộng đồng tình báo và quân đội Israel. Thế nhưng, mỉa mai thay, đây cũng là câu chuyện về một thất bại lớn về tình báo, được xem là tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh năm 1973 giữa Israel và các nước Ả Rập. Dù có trong tay một trong những cơ quan tình báo hàng đầu thế giới (Mossad), Israel đã suýt bỏ qua sự kiện Triều Tiên giúp xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại Syria, quốc gia từ lâu xem Tel Aviv là mối đe dọa nguy hiểm. Ngay cả Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng không hay biết gì.

Nhiều năm sau, người Israel vẫn còn đặt nghi vấn chua cay về thất bại tình báo đó của CIA. Cựu Giám đốc Mossad Tamir Pardo đã thốt lên khi trả lời phỏng vấn tạp chí Politico: "Lúc đó, người Mỹ ở đâu thế? Triều Tiên luôn là một mục tiêu quan trọng đối với họ. Vậy mà họ không rõ ông Assad hoặc người Triều Tiên vận hành dự án hạt nhân này. Đó là thất bại muối mặt của người Mỹ". Thắc mắc của ông Pardo dẫn đến một vấn đề đáng lo khác: Nếu như một trong những cộng đồng tình báo giỏi nhất thế giới có thể bị Triều Tiên và Syria qua mặt, thử hỏi CIA có thể còn bỏ qua điều gì nữa? 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo