Tính đến ngày 2-5 đã có hơn 6.600 người chết, hơn 14.000 người bị thương, hàng ngàn người mất tích và không còn hy vọng tìm thấy người sống sót dưới các đống đổ nát ở Nepal. Chỉ 4 giờ sau trận động đất mạnh 7,9 độ Richter hôm 25-4, Ấn Độ gửi ngay 280 chuyên gia, trở thành nước đầu tiên hỗ trợ Nepal.
Khi Thủ tướng Narendra Modi hứa trên sóng phát thanh hôm 26-4 rằng sẽ “lau nước mắt cho từng người dân Nepal, nắm lấy tay và đứng bên cạnh họ”, không quân Ấn Độ đã điều 950 binh sĩ và thả hơn 400 tấn hàng cứu trợ khắp nước láng giềng.
Một ngày sau đó, theo đài CNN, máy bay liên tục cất cánh từ các sân bay khắp Ấn Độ trong khi từng đoàn xe tải từ phía Đông nước này tiến thẳng đến các vùng hẻo lánh của Nepal - làm thành chiến dịch cứu trợ nhanh nhất và có thể là tốn kém nhất mà New Delhi dành cho một nước láng giềng.
Một gia đình người Nepal gói ghém tài sản rời lều tạm trở về nhà ở Kathmandu
Ảnh: Hindustan Times
Sau Ấn Độ cũng chỉ vài giờ, lực lượng cứu hộ Trung Quốc có mặt ở Kathmandu và các khu vực biên giới cùng lều bạt, máy phát điện, thiết bị lọc nước và thuốc men. Tới nay, Trung Quốc đã hứa viện trợ khoảng 10 triệu USD - vượt xa Mỹ, theo báo đài nước này.
“Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ mọi thứ cần thiết cho Nepal” - Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố. Sự sốt sắng này khác hẳn phản ứng khiêm tốn đối với các thảm họa nhân đạo trước đây như trận động đất - sóng thần ở châu Á năm 2004, động đất ở Kashmir năm 2005. Đặc biệt, sau khi siêu bão Haiyan tàn phá Philippines năm 2013, Bắc Kinh mất mặt khi viện trợ ít hơn cả công ty nội thất Ikea của Thụy Điển.
Phản ứng hào hiệp của New Delhi và Bắc Kinh khiến trang Chinatopix ví von Nepal như cô gái nghèo xinh đẹp được 2 chàng trai giàu có xả thân cứu giúp. Không ai có thể phủ nhận sự thiện chí song rõ ràng 2 người khổng lồ châu Á không ngừng gầm ghè nhau hơn nửa thế kỷ qua này còn theo đuổi những mục đích sâu xa hơn.
Đối với Trung Quốc, Nepal là một phần của dự án “Con đường Tơ lụa” mới. Hơn nữa, Bắc Kinh muốn Kathmandu “quản” chặt khoảng 20.000 người Tây Tạng đang tị nạn ở Nepal. Trong khi đó, Ấn Độ cần một chính quyền thân thiện ở Kathmandu để ngăn chặn Trung Quốc lấn sâu hơn nữa vào vùng lợi ích của mình.
Với 3 mặt giáp Ấn Độ và gần gũi về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, nhiều người dân Nepal xem Ấn Độ là anh em, theo nhận định của ông Ashok Gurung, Giám đốc Viện Ấn Độ - Trung Quốc (Mỹ). Điều này khơi dậy sự ủng hộ to lớn từ phía người dân Ấn Độ khi Nepal hoạn nạn. Vả lại, theo nhà phân tích Rajrishi Singhal, Ấn Độ giúp Nepal cũng là giúp chính mình. “Chúng tôi chia sẻ đường biên giới dài nên bất cứ hỗn loạn nào ở Nepal cũng có thể tràn vào Ấn Độ” - ông nói.
Tháng 8 năm ngoái, ông Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ đầu tiên thăm Nepal trong vòng 17 năm và cho nước này vay 1 tỉ USD để xây nhà máy thủy điện cùng các dự án hạ tầng. Tuy nhiên, cũng năm này, Trung Quốc qua mặt Ấn Độ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nepal.
Ông Tsering Shakya, nhà nghiên cứu của Trường ĐH British Columbia (Canada), phân tích với trang Foreign Policy: “Ngay cả trong thảm họa, Nepal vẫn sợ làm mếch lòng láng giềng phương Bắc. Bằng chứng là họ từ chối nhận cứu trợ chính thức từ Đài Loan. Có thông tin họ còn nhắc đội cứu hộ của quân đội Ấn Độ đừng bay gần không phận Trung Quốc”.
Để làm đẹp lòng cả 2 siêu cường, Ngoại trưởng Nepal Mahendra Bahadur Pandey khen ngợi đồng đều trong cuộc phỏng vấn hôm 28-4: “Ấn Độ và Trung Quốc đã gửi đến lực lượng đặc biệt và họ làm việc rất nhiệt tình”. Ông cũng nói Nepal đã chia khu vực cứu trợ riêng rẽ cho 2 nước này.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, chắc chắn Nepal sẽ tận dụng cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc” - ông Joseph Caron, người từng giữ chức đại sứ Canada tại Trung Quốc và cao ủy Canada tại Ấn Độ, đánh giá với báo The Globe and Mail. Rõ ràng cuộc đua này không chỉ có lợi cho Nepal trong công tác tìm kiếm, cứu hộ trước mắt mà còn trong tái thiết dài hạn.
Bình luận (0)