Đến Washington vào tuần rồi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng. Đều từng được xem là người ngoài cuộc trước khi ra tranh cử, cả hai nhà lãnh đạo này đã hình thành mối quan hệ cá nhân ít ai ngờ. Thế nhưng, đằng sau mối quan hệ này là gì và nó có ý nghĩa ra sao đối với những lợi ích và ảnh hưởng của nước Pháp?
Trên thực tế, các mối quan hệ của ông Macron vẫn khiến dư luận kinh ngạc không chỉ một lần. Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Pháp vài tuần sau khi ông Macron nhậm chức, thay vì các đồng minh chủ chốt.
Nhà lãnh đạo Pháp dự kiến gặp lại người đồng cấp Nga khi ông ghé thăm Moscow tháng này, bất chấp vừa ra lệnh không kích chống lại đồng minh Syria của Nga. Phương thức tiếp cận của ông Macron đôi khi gây ra bất hòa về ngoại giao. Gần đây nhất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng mạnh khi Paris đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Tuy vậy, không có gì thu hút sự chú ý của dư luận như "tình huynh đệ" giữa hai ông Macron và Trump. Giữa hai người có không ít khác biệt, như về tuổi tác, tầm nhìn chính trị và các giá trị, phong cách và tính cách, việc sử dụng truyền thông… Dù vậy, Điện Elysée mô tả mối quan hệ của họ "rất gần gũi" và hai nhà lãnh đạo thường xuyên trò chuyện thẳng thắn qua điện thoại. Mối quan hệ này đã đẩy Pháp qua mặt Đức và Anh để trở thành đầu mối liên lạc chính của Mỹ ở châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bữa đại tiệc ở Nhà Trắng hôm 24-4 Ảnh: REUTERS
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và chính sách nhập cư, thương mại của Đức đã giúp mở đường cho Pháp tăng cường vị thế. Không thể bỏ qua chi tiết ông Macron là nhân vật có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ thời ông Trump, không phải Thủ tướng Anh Theresa May hoặc Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngoài ra, còn có những lý do cá nhân cho mối quan hệ Pháp - Mỹ mới này. Cả hai ông Macron và Trump đều tác động mạnh mẽ đến hệ thống chính trị trong nước; cả hai đều trực tính theo cách riêng của họ và thích phô diễn hình ảnh sức mạnh.
Ngoài ra, Pháp tỏ ra thích ứng dễ dàng hơn với một ông Trump khó lường bởi nước này không có kiểu tầm nhìn chung gần gũi như những gì Anh và Đức đã có với những tổng thống Mỹ gần đây. Paris tỏ ra thực dụng trong phương thức tiếp cận Washington - một liên minh dựa trên những lợi ích chung đang bị chi phối bởi tình hình an ninh và cuộc chiến chống khủng bố.
Pháp cần Mỹ cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, trong lúc Paris được xem là sự đặt cược tốt nhất của Washington nếu muốn có sự hỗ trợ về quân sự giữa lúc Anh tỏ ra thận trọng sau cuộc chiến tranh Iraq.
Cách tiếp cận vấn đề an ninh của ông Trump đôi khi giúp ích cho chương trình nghị sự của ông Macron ở châu Âu. Nhà lãnh đạo Mỹ thẳng thừng yêu cầu các nước EU nhận lãnh vai trò an ninh lớn hơn và tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP. Từng đưa ra cam kết Pháp sẽ đáp ứng mục tiêu trên vào năm 2025, ông Macron cũng muốn châu Âu có nhiều quyền tự trị hơn trong các vấn đề an ninh và quốc phòng.
Thế nhưng, ở một quốc gia mà sự thân cận quá mức với Mỹ có thể mang lại rủi ro chính trị cho một tổng thống, ông Macron cần phải thể hiện nhiều hơn. Gần đây, ông khẳng định đã thuyết phục người đồng cấp Mỹ ở lại Syria nhưng điều đó đã nhanh chóng bị Nhà Trắng phủ nhận. Cho đến nay, bất chấp sự kỳ vọng đang tăng, có ít bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Pháp đối với Tổng thống Trump về các vấn đề then chốt như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc quy chế của Jerusalem.
Tổng thống Trump vỗ vai người đồng cấp Pháp tại hội nghị G-20 ở Đức năm 2017. Ảnh: Reuters
Chuyến thăm vừa rồi là cơ hội để thảo luận những khác biệt về chính sách này với Mỹ. Tổng thống Macron cũng hội đàm với ông chủ Nhà Trắng về vấn đề đánh thuế thép và nhôm của EU, cuộc xung đột Syria và quyết định gây tranh cãi về việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Ngay cả khi không có bất kỳ sự ảnh hưởng cụ thể nào về những vấn đề này, vẫn có giá trị thực chất dành cho ông Macron trong mối quan hệ với ông Trump.
Ông Macron đã khởi đầu nhiệm kỳ bằng cam kết khôi phục vị thế của Pháp ở nước ngoài - được tin là chìa khóa để giúp Pháp hồi sinh bản sắc dân tộc và sự lạc quan. Mối quan hệ gần gũi với ông Trump, mặc dù không có nhiều sự ảnh hưởng về chính sách, đang nâng vị thế, ảnh hưởng và đòn bẩy của Pháp trên thế giới.
Tuy nhiên, bất kỳ mối quan hệ nào với Tổng thống Trump đều có thể khó lường - giới phân tích chỉ ra rằng ông Macron đã thận trọng không chỉ trích đích danh ông Trump. Nếu những quyết định của ông chủ Nhà Trắng gây tổn hại trực tiếp đến lợi của Pháp, ông Macron có thể nhận lãnh nhiều lời chỉ trích mạnh mẽ hơn từ cử tri trong nước. Khi đó, chính mối quan hệ giúp tăng cường vị thế của tổng thống Pháp ở nước ngoài có thể lại nhận chìm uy tín của ông tại quê nhà.
Bình luận (0)