Vụ việc được cho là một vụ đánh bom tự sát ngay giữa thủ đô Tunisia.
Xe cứu thương chở những nạn nhân bị thương từ hiện trường trong khi lực lượng an ninh phong tỏa các con đường quanh trục đường chính ở thủ đô Tunis. Xác của chiếc xe buýt đang nằm tại khu vực này, cách không xa Bộ Nội vụ.
Cảnh sát phong tỏa khu vực gần hiện trường vụ nổ bom. Ảnh: Nur Photo/REX Shutterstock
Cảnh sát được triển khai trên đường phố. Ảnh: Nur Photo/REX Shutterstock
Đây là vụ tấn công lớn thứ 3 tại Tunisia trong năm nay. Trước đó, một phiến quân Hồi giáo cực đoan giết chết 38 du khách nước ngoài trong khách sạn bờ biển hồi tháng 6. Các tay súng cũng đoạt mạng 21 du khách khác tại bảo tàng Bardo ở thủ đô Tunis hồi tháng 3. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên tiếng nhận trách nhiệm cả 2 vụ tấn công đẫm máu này.
Nguồn tin an ninh cho biết chiếc xe buýt chở vệ sĩ nói trên bị nổ tung khi đang trên đường tới dinh cơ của tổng thống ở ngoại ô thủ đô.
Một nguồn tin của phủ tổng thống tiết lộ có vẻ như một đối tượng đánh bom tự sát đã kích hoạt đai chất nổ bên trong xe buýt. Trong khi đó một nguồn tin khác xác nhận phần lớn những người trên xe đều thiệt mạng.
Tăng cường an ninh sau vụ tấn công. Ảnh: Nur Photo/REX Shutterstock
Bassem Trifi, một người qua đường kể lại: “Tôi đang đi trên đường Mohamed V, mới chỉ chuẩn bị lên xe của mình thì nghe thấy tiếng nổ kinh hoàng. Chiếc xe buýt nổ tung ngay trước mắt tôi. Thi thể và máu ở khắp mọi nơi”.
Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã tạm hoãn chuyến công du châu Âu và tuyên bố thủ đô Tunis được đặt trong tình trạng giới nghiêm cho tới 5 giờ ngày 25-11. Ông cho biết: “Vì hậu quả của vụ việc đau thương này, bi kịch lớn này... tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày theo quy định của luật pháp và lệnh giới nghiêm ở Tunis từ 21 giờ ngày 24-11, theo giờ địa phương tới 5 giờ (tức 4 giờ GMT) ngày 25-11".
Tổng thống Essebsi nhấn mạnh rằng tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 1 tháng sẽ tạm thời giúp chính phủ có thêm sự linh hoạt, lực lượng an ninh có thêm quyền lực và giới hạn một số quyền dân sự.
Mohamed V là một đại lộ lớn thường rất đông đúc xe cộ và người đi lại. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khách sạn và ngân hàng.
Cảnh sát tại hiện trường. Ảnh: EPA
Chống phiến quân Hồi giáo cực đoan đang trở thành thách thức lớn đối với Tunisia. Quốc gia Bắc Phi nhỏ bé này đã có nhiều biến chuyển sau cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Zine Abidine Ben Ali.
Tunisia đã tổ chức bầu cử tự do và thiết lập hiến pháp mới với sự đồng thuận chính trị rộng rãi và hóa giải được nhiều bất đồng sâu sắc, đặc biệt là với những đảng Hồi giáo.
Tuy nhiên, hàng ngàn người Syria vẫn đang chiến đấu ở Syria, Iraq và Libya trong hàng ngũ IS và các nhóm phiến quân khác, trong đó không ít đang đe dọa sẽ mở các cuộc tấn công ở quê nhà.
Quân đội Tunisia còn phải đối đầu với một nhóm phiến quân Hồi giáo khác ở dãy núi gần biên giới Algeria. Nhóm phiến quân này thường xuyên tấn công các chốt biên giới và gieo rắc nỗi sợ hãi vào các khu vực xa xôi hẻo lánh.
Hồi tháng 9, chính phủ Tunisia nhận được thông tin tình báo cho biết có thể xảy ra một vụ đánh bom xe tự sát trong thủ đô. Sau đó lệnh cấm xe cộ đi lại được ban bố ở nhiều khu vực.
Trong tháng này, giới chức trách đã bắt giữ 17 tay súng Hồi giáo và ngăn chặn nhiều vụ tấn công được lên kế hoạch vào khách sạn và lực lượng an ninh ở Sousse.
Trong khi đó, vụ đánh bom hôm 24-11 xảy ra giữa lúc diễn ra Liên hoan phim Carthage lần thứ 26.
Giám đốc của sự kiện này - ông Brahim Letaief đã hủy buổi chiếu trong đêm cùng ngày và nói rằng hi vọng có thể thực hiện lại buổi chiếu dành cho các nhà làm phim châu Phi và Ả Rập này vào ngày 25-11.
Hồi cuối tuần trước, một nhóm thánh chiến tuyên bố đã thay mặt IS cắt đầu một vị linh mục trẻ Tunisia với cáo buộc người này đã cung cấp thông tin về hoạt động của họ ở tỉnh miền trung Sidi Bouzid cho quân đội.
Bình luận (0)