Người biểu tình tiếp tục tuần hành trong ngày thứ 4 liên tiếp bất chấp lệnh cấm tụ tập nơi công cộng từ 5 người trở lên được ban bố ở nhiều nơi trên toàn quốc từ hôm 8-2.
Người biểu tình tại Yangon hôm 9-2. Ảnh: EPA-EFE
Trong khi các cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa ở TP Yangon thì những cuộc đụng độ ác liệt nổ ra ở Mandalay và Naypyitaw khi cảnh sát bắn hơi, vòi rồng và đạn cao su vào người biểu tình.
Theo hãng tin Reuters, ít nhất một người bị thương nặng ở Naypyitaw khi bị đạn cao su ghim vào đầu, bác sĩ chẩn đoán cô sẽ không qua khỏi. 4 người khác bị thương được đưa đến bệnh viện.
Cảnh sát đối đầu người biểu tình tại Naypyitaw. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, cảnh sát đã đột kích vào trụ sở của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) tại TP Yangon, đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ trong cuộc đảo chính. Theo hãng tin Reuters, hai nghị sĩ của NLD cho biết hàng chục cảnh sát đã sử dụng vũ lực để đột kích trụ sở đảng này ở Yangon ngay sau khi trời tối.
Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Myanmar Ola Almgren chỉ trích chính quyền quân sự sử dụng vũ lực không thể chấp nhận được nhằm vào dòng người biểu tình phản đối cuộc chính biến ở nước này tại thủ đô Naypyidaw.
Trong khi đó, các cuộc đình công của nhân viên y tế làm chậm quá trình phản ứng với đại dịch Covid-19 buộc Bộ Y tế và Thể thao thúc giục họ quay trở lại với công việc.
Hôm 9-2, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên "đóng băng" quan hệ với Myanmar khi nước này cho biết sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động tiếp xúc cấp cao với Myanmar và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính hôm 1-2.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc dự kiến triệu tập phiên họp đặc biệt trong ngày 12-2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần rút liên doanh với các tập đoàn có liên quan đến quân đội Myanmar.
Bình luận (0)