Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong số các thành viên khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), do vậy nếu cuộc đảo chính làm suy yếu nền dân chủ nước này và gây nên tình trạng bất ổn kéo dài thì các chiến dịch của Mỹ và NATO ở Trung Đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Sau khi đảo chính nổ ra ở Ankara tối 15-7, phía Mỹ đã khẳng định rõ ràng quan điểm đứng về phía Chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan. Quan hệ giữa chính phủ của ông Erdogan và Mỹ không mấy suôn sẻ trong thời gian gần đây, nhưng ông Erdogan vẫn luôn hợp tác rộng rãi với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Một người lính Thổ Nhĩ Kỳ đứng gần quảng trường Taksim ở Istanbul. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 15-6 đã phát biểu: “Mỹ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với những sự kiện đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông Kerry cũng bày tỏ sự “ủng hộ tuyệt đối” đối với chính phủ được bầu cử một cách dân chủ.
Theo các nhà phân tích, dù kết quả đảo chính có thế nào đi nữa, quốc gia đồng minh của Mỹ giờ sẽ phải đối mặt với một thời kỳ bất ổn về kinh tế và chính trị. Ông Blaize Misztal, giám đốc an ninh quốc gia ở Trung tâm Chính trị Bipartisan, bày tỏ: “Từ quan điểm của Mỹ, viễn cảnh tồi tệ nhất là cuộc đảo chính bất thành sẽ lôi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc tranh giành quyền lực triền miên”.
Trong khối quân sự NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đóng góp quân đội nhiều thứ hai sau Mỹ và là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở các nước láng giềng Iraq và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn xung đột với lực lượng ly khai người Kurd và đã phải hứng chịu nhiều vụ đánh bom và xả súng trong năm nay, trong đó có vụ tấn công 2 tuần trước do những phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra ở sân bay chính của Istanbul khiến hơn 40 người thiệt mạng.
Hơn 2000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng quân ở căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực gần biên giới Syria. Việc duy trì lực lượng không quân này là ưu tiên hàng đầu của Mỹ vì Mỹ sẽ thực hiện các đợt không kích IS từ căn cứ này. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhiều căn cứ và cơ sở quan sự quan trọng khác của Mỹ và NATO, trong đó có một căn cứ của CIA, các đài thu thanh của Mỹ và radar cảnh báo sớm của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.
Cựu chuyên gia phân tích của CIA Bruce Riedel nhận định: “Đây có thể sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền của ông Obama. Một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ổn định vô cùng quan trọng đối với những mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông, vùng Balkans và Causasus. Một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ, dù có khiếm khuyết đi nữa, vẫn cực kỳ quan trọng đối với những hy vọng cải tổ chính trị ở khu vực Trung Đông”.
Ông Gonul Tol, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ ở Viện nghiên cứu Trung Đông, cho rằng các mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực dù kết quả của cuộc đảo chính này có ra sao đi nữa. Ông nhận định: “Nếu đảo chính thất bại, sức mạnh của Erdogan sẽ được củng cố và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những chính sách độc đoán của ông ta. Còn nếu nó thành công thì đồng nghĩa với bất ổn kéo dài trong nội bộ đất nước này”.
Bình luận (0)