Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã gửi lời cảnh báo đến những kẻ đảo chính rằng họ sẽ phải “trả giá đắt”. Sau vụ việc lần này, chắc chắn sẽ có một cuộc thanh lọc lớn, như lời ông phát biểu khi về đến sân bay Istanbul rạng sáng 16-7: Âm mưu đảo chính là "một món quà từ Chúa" vì nó sẽ giúp làm trong sạch quân đội khói "các thành viên của các băng đảng".
Theo báo Sydney Morning Herald (Úc), quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể lập luận rằng họ đã quá kiên nhẫn với ông Erdogan, cho ông thời gian và đã đưa ra một vài cảnh báo trước đó nhưng ông phớt lờ. Thay vào đó, ông thâu tóm mọi quyền hành, xử lý sai các cuộc xung đột nội bộ lẫn trong khu vực và gây ra một cuộc khủng hoảng đe doạ lợi ích quốc gia.
Tình hình bất ổn hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ 2 cuộc đấu tranh trong nước mà ông Erdogan cho là chống lại cá nhân ông: Cuộc chiến đẫm máu với người Kurd giành quyền tự trị và phong trào chính trị Gulen (có mạng lưới tại hơn 150 nước và do giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đứng đầu).
Tổng thống Erdogan cũng hiểu rõ lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ rằng trước đó quân đội nước này đã đảo chính khoảng 10 năm 1 lần trong nửa sau thế kỷ 20 - vào các năm 1960, 1971, 1980 và 1997.
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara sáng 16-7. Ảnh: AP
Ông Erdogan không thể đổ lỗi cho quân đội, theo tờ báo, bởi một trong những thành tựu mà ông đạt được suốt thời gian nắm quyền 2003-2016 (từ thủ tướng tới tổng thống) là thanh lọc lãnh đạo các lực lượng vũ trang để biến quân đội thành cánh tay nối dài của chính quyền.
Tương tự, Tổng thống Erdogan cũng không thể đổ lỗi cho Phong trào chính trị Gulen, hay còn gọi là Hizmet, bởi ông là người leo thang căng thẳng trước. Phong trào Gulen được khởi xướng bởi Fethullah Gulen, một học giả tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Mỹ, với mục tiêu hướng người trẻ lên nắm quyền trong bộ máy tư pháp và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Gulen trốn sang Mỹ vào năm 1999 và bị được xử vắng mặt vì "âm mưu chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ". Trong một đoạn video, Fethullah Gulen đã nói với những ai ủng hộ ông rằng: “ Các bạn phải hoạt động âm thầm trong hệ thống và đừng để ai chú ý sự tồn tại của mình cho đến khi các bạn đã đạt được tất cả quyền lực... Các bạn phải đợi cho đến khi bạn đã nhận được tất cả các quyền lực nhà nước”.
Ban đầu, ông Erdogan hợp tác với phong trào Gulen, dựa trên một thoả thuận không chính thức rằng nhóm này sẽ có một vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính, tư pháp. Đổi lại, ông Gulen sẽ hỗ trợ Tổng thống Erdogan trong công việc kinh doanh ở cả trong và ngoài nước nhờ vào các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao cá nhân.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ leo lên xe tăng quân đội. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan dần dần nghi ngờ và muốn đào thài thải nhóm Hizmet ra khỏi bộ máy nhà hành chính. Vào tháng 2-2014, một phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Erdogan bỏ phiếu tán thành Hizmet là “một mối đe doạ an ninh quốc gia”. Tổng thống Erdogan sau đó còn nói ông đã quá ngây thơ khi trao cho Hizmet quá nhiều quyền lực.
Vào tháng 1-2014, một thành viên của Hizmet cho Telegraph London hay rằng Tổng thống Erdogan lo sợ nhóm Hizmet đang lên âm mưu tiêu diệt ông ta.
Trong một cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu vào đầu năm 2014, một quan chức cấp cao của EU ở Brussels cũng cho The Guardian hay ông Erdogan bị ám ảnh bởi ý tưởng phong trào Gulen đang tạo ra một nhà nước song song ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương tháng 3-2014, Tổng thống Erdogan cũng gởi lời cảnh báo đến phong trào Gulen: “Chúng ta sẽ bước vào sào huyệt của chúng… Chúng sẽ phải trả giá".
Bình luận (0)