Hôm 24-4, quần đảo từng được sử dụng làm bãi thử cho hàng chục vụ thử hạt nhân của Mỹ sau Thế chiến thứ hai đã nộp đơn khởi kiện 9 quốc gia lên ICJ, trong đó có Mỹ, đồng thời đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang Mỹ ở thành phố San Francisco.
Riêng với Mỹ, Marshall kiện Tổng thống Barack Obama, các phòng ban và thư ký quốc phòng, năng lượng cũng như Cục quản lý An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ.
Ngoài Mỹ, các quốc gia bị kiện bao gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. 4 nước cuối danh sách tuy không tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 nhưng bị cáo buộc “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.
Quần đảo Marshall tuyên bố 9 quốc gia kể trên đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân thay vì đàm phán giải trừ và ước tính họ sẽ mất 1.000 tỉ USD để duy trì các kho vũ khí này trong thập kỷ tới.
Cả Mỹ và 8 quốc gia còn lại không hề được thông tin cụ thể trước vụ kiện, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki từ chối đưa ra bình luận. Còn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel, ông Paul Hirschson, cho rằng nước mình không liên quan vì không nằm trong diện cam kết của NPT.
Trước đây, quần đảo Marshall là địa điểm thử nghiệm 67 vụ thử hạt nhân của Mỹ kéo dài suốt 12 năm (1946-1958), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân nơi đây. Trong đó có vụ kích nổ "Bravo shot", một thiết bị 15 megaton có sức công phá tương đương 1.000 vụ nổ Hiroshima vào năm 1954.
Ngoại trưởng Tony de Brum của quần đảo Marshall cho biết khi thông báo vụ kiện: “Dân tộc ta đã phải chịu đựng những thiệt hại thảm khốc và không thể khắc phục của loại vũ khí này. Chúng ta thề sẽ chiến đấu để không người nào khác có thể lặp lại những hành động tàn bạo như thế một lần nữa”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Brum nhấn mạnh họ không cần bồi thường thiệt hại mà chỉ yêu cầu 9 quốc gia có liên quan phải đáp ứng đúng nghĩa vụ của mình, đó là giải trừ toàn bộ số vũ khí hạt nhân.
Một số nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình được cho là đang hỗ trợ về pháp lý cho Marshall, trong đó có Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu và luật sư về nhân quyền gốc Iran Shirin Ebadi.
Bình luận (0)