Hiện GPGP lớn hơn cả diện tích 3 nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha cộng lại. Ông Laurent Lebreton, tác giả chính của nghiên cứu và là thành viên của dự án Dọn dẹp đại dương (Hà Lan), cho biết nhóm của ông phát hiện khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi trong khu vực GPGP, tương đương trọng lượng của 500 chiếc máy bay chở khách cỡ lớn và trải rộng trên diện tích khoảng 1,6 triệu km2. Đáng lo là GPGP vẫn tiếp tục bành trướng.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng 30 con tàu và hai máy bay được trang bị bộ cảm biến hiện đại để chụp lại hình ảnh 3D của "đảo rác" trong hơn 2 năm qua. Qua phân tích, đảo rác khổng lồ này chứa tới khoảng 1,8 ngàn tỉ mảnh nhựa, đang đe dọa hệ sinh thái biển. Trong khi số rác thải có kích thước nhỏ hơn 0,5 cm dễ khiến các loại cá nhỏ nuốt phải vì nhầm lẫn là thức ăn thì những mảnh nhựa to có thể làm nhiều loài lớn hơn mắc kẹt và chết dần chết mòn.
Tàu của dự án Dọn dẹp đại dương gom rác trên biển Ảnh: OCEAN CLEANUP
Chuyên gia Lebreton cho rằng chính thói quen sử dụng các loại sản phẩm dùng một lần rồi bỏ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương. Qua đó, ông Lebreton kêu gọi cần phải có hành động nghiêm túc và giải quyết vấn đề này ở phạm vi toàn cầu.
Theo báo Guardian (Anh), dự án Dọn dẹp đại dương đặt mục tiêu giảm 1/2 kích thước của GPGP trong vòng 5 năm. Công ty khởi nghiệp này đang phát triển một hệ thống hàng rào nổi trên biển để thu gom rác thải nhựa vào một khu vực, sau đó vớt ra khỏi đại dương. Mô hình thử nghiệm sẽ được thực hiện tại TP San Francisco - Mỹ vào mùa hè này với mục tiêu thu gom 5 tấn chất thải/tháng và nếu thành công, hệ thống sẽ được nhân rộng.
Ước tính có khoảng 8 tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển mỗi năm, hình thành 5 đảo rác khổng lồ trên khắp các đại dương. Đến năm 2050, số rác thải nhựa trên biển dự kiến còn nhiều hơn cá. GS Edward Hill, một trong những tác giả của báo cáo về dự đoán tương lai đại dương của chính phủ Anh, nói với đài BBC: "Đại dương rất quan trọng đối với tương lai kinh tế của chúng ta, 9 tỉ người sẽ kiếm sống nhiều hơn ở biển".
Ngoài rác thải nhựa, báo cáo của nhóm ông Hill còn nhấn mạnh đại dương đang bị tấn công bởi nhiều loại ô nhiễm khác như thuốc trừ sâu, phân bón từ các trang trại và chất độc công nghiệp.
Bình luận (0)