Theo hãng tin TASS, ông Shulgin phát biểu tại phiên họp thứ 95 của Hội đồng điều hành OPCW hôm 6-10: "Bất chấp tất cả yêu cầu đáng ngờ mà chúng tôi nhận được như mở cuộc điều tra quốc gia, hợp tác với OPCW…, chúng tôi nhấn mạnh rằng Nga không nợ bất cứ ai, cho dù là Đức hay các nước khác. Chúng tôi không cần phải giải thích về bản thân với họ và chúng tôi sẽ không làm vậy".
Ông Shulgin cũng tuyên bố Moscow sẽ coi mọi thứ đang diễn ra (liên quan tới cáo buộc ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh nhóm Novichok) là "một chiến dịch tuyên truyền dối trá, khiêu khích cấp thấp" cho đến khi nhận được tài liệu, mẫu vật và bằng chứng cho thấy chất độc được phát hiện trong các cuộc xét nghiệm đối với ông Navalny và cho đến khi họ ngồi xuống bàn đàm phán với Nga trong một cuộc đối thoại cấp chuyên gia.
Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) Alexander Shulgin. Ảnh: TASS
"Chính Đức phải là người đầu tiên hành động và phản hồi yêu cầu hỗ trợ pháp lý do Văn phòng Tổng công tố Nga đưa ra. Họ có nghĩa vụ cung cấp cho chúng tôi tất cả tài liệu chứng minh tội ác đã được thực hiện đối với công dân Nga. Vì Đức đã trình vụ việc lên OPCW ở The Hague – Hà Lan nên phải có nghĩa vụ hợp tác với Nga trong khuôn khổ Công ước về vũ khí hóa học. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga đang thực hiện đầy đủ tất cả nghĩa vụ của mình dựa trên Công ước về vũ khí hóa học" – ông Shulgin nói thêm.
Cùng ngày 6-10, OPCW cho biết đã tìm thấy dấu vết của chất độc nhóm Novichok trong mẫu máu và nước tiểu của ông Navalny.
"Kết quả phân tích chỉ ra dấu vết của chất gây ức chế cholinesterase trong mẫu máu và nước tiểu của ông Navalny có đặc điểm cấu trúc tương tự chất độc nhóm Novichok" – OPCW xác nhận.
Ông Navalny tại bệnh viện thủ đô Berlin hôm 19-9. Ảnh: Reuters
Tổng Giám đốc OPCW Fernando Arias Gonzalez nhận định phát hiện trên rất đáng quan tâm. Ông lưu ý: "Các quốc gia thành viên của Công ước về vũ khí hóa học đã cam kết việc sử dụng vũ khí hóa học trong bất kỳ trường hợp nào cũng là đáng trách và hoàn toàn trái với quy định pháp lý do cộng đồng quốc tế thiết lập. Do đó, điều quan trọng bây giờ là họ phải duy trì những tiêu chuẩn mà họ quyết định tuân thủ hơn 25 năm trước".
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay nước này không có thông tin về báo cáo của OPCW.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trước đó chỉ trích OPCW và bóng gió rằng tổ chức này tự cho phép mình trở thành công cụ của các chính phủ phương Tây. Trong vụ tấn công hóa học ở TP Khan Sheikhun – Syria năm 2017, ông Lavrov lập luận OPCW lẽ ra phải cử chuyên gia tới Syria để thu thập mẫu nhưng thay vào đó lại dựa vào mẫu do Anh và Pháp cung cấp.
Bình luận (0)