Cách đây 20 năm, vào ngày 14-11-1998, tại thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tầm nhìn chiến lược
Tiếp theo việc tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, trở thành thành viên APEC đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và là tiền đề để nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% GDP, hơn 49% thương mại của thế giới, APEC đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trước hết, APEC quy tụ 14 trên 28 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, chiếm 75% kim ngạch xuất nhập khẩu, 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ta đã, đang đàm phán và ký kết là với 17 trên 20 thành viên APEC.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (hàng cuối, thứ 3, từ phải sang) tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC tại Papua New Guinea hôm 15-11 Ảnh: AP
Thứ hai, tham gia APEC góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói ngang hàng nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ kinh tế, thương mại khu vực, qua đó giúp chúng ta đẩy mạnh chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Thứ ba, Diễn đàn APEC là kênh quan trọng để chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương, củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Thứ tư, tham gia APEC và thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách trong nước, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, quy định phù hợp với các cam kết quốc tế. Là thành viên APEC, Việt Nam không chỉ được hưởng những hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế mà còn tiếp nhận những tiềm năng, cơ hội to lớn cho doanh nghiệp trong nước thông qua các cơ chế như Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC hằng năm...
Hai lần làm chủ nhà APEC
Dấu ấn nổi bật nhất trong 20 năm tham gia APEC phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11-2006 ở thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực.
Sau 11 năm, chúng ta tiếp tục được tín nhiệm đăng cai APEC lần thứ hai, trong bối cảnh năm 2017 được đánh giá là một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với diễn đàn, với sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, chống toàn cầu hóa cũng như các thách thức về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, già hóa dân số... Với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", chúng ta đã chủ trì thành công Năm APEC 2017, với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại TP Đà Nẵng. Đặc biệt, dấu ấn Việt Nam thể hiện qua thành công của đối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo APEC với ASEAN và việc chúng ta tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao Đà Nẵng. Sức hút Việt Nam cũng được thể hiện qua con số kỷ lục hơn 2.100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và lần đầu tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.
Không chỉ vậy, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến trong đó được đánh giá thiết thực, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu...
Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chiến lược với vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Châu Á - Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là một trong những trọng điểm đối ngoại của nước ta thời kỳ mới. Với hành trang là 20 năm tham gia APEC, chúng ta sẽ tiếp tục nâng tầm đóng góp của Việt Nam tại diễn đàn, cùng các thành viên đẩy mạnh triển khai các cam kết và chiến lược dài hạn về hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, các chiến lược tăng trưởng, kết nối tổng thể...
Bình luận (0)