Theo chân một số thành viên khác của khu vực miễn thị thực Schengen (hiện gồm 26 nước châu Âu), Áo và Slovenia trong tuần này tuyên bố siết chặt kiểm soát biên giới với người di cư vì lý do an ninh. Động thái này dĩ nhiên khiến các nhà lãnh đạo EU lo ngại.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho rằng EU chỉ có 2 tháng (tức đến hội nghị cấp cao của cơ quan này trong ngày 17, 18-3 tới) để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II và cứu vớt Hiệp ước Schengen 30 năm tuổi - một trong những biểu hiện rõ nhất của một châu Âu thống nhất.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhắc lại cảnh báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel, theo đó hành động tái lập biên giới trong lòng châu Âu sẽ hủy thoại đồng tiền chung euro và thị trường chung của khối. “Nếu không có khu vực Schengen cùng với quyền tự do đi lại của người lao động và công dân, sự tồn tại của đồng euro sẽ không còn ý nghĩa” - ông Juncker nhận định. Tự do đi lại vốn là một trong những nguyên tắc cơ bản của ý tưởng xây dựng EU.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về cảnh báo này. Họ cho rằng ngay cả khi khu vực Schengen sụp đổ thì đồng euro hoặc thị trường chung vẫn không chịu nhiều tác động. “Không có mối liên quan nào giữa euro và khoảng thời gian chờ đợi tại biên giới. Dĩ nhiên, việc khu vực Schengen không còn tồn tại có thể tăng chi phí giao dịch, giao thông vận tải nhưng do không ai đề cập chuyện áp đặt thuế quan nên hoạt động của thị trường chung vẫn không bị ảnh hưởng” - ông Zsolt Darvas, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ), nói với trang EUobserver.
Về mặt kinh tế có thể không sao song sự tan rã của khu vực Schengen, nếu có, sẽ mang đến những hậu quả chính trị khôn lường. Ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (Bỉ), nhận định một kết cục như thế sẽ phát đi tín hiệu rằng các nước châu Âu không có đủ ý chí chính trị để làm việc cùng nhau.
“Nếu khu vực Schengen không còn, châu Âu sẽ quay lại thời của Cộng đồng Kinh tế châu Âu hồi những năm 1970 hoặc 1980. Đó sẽ là một châu Âu rất khác - một cộng đồng yếu hơn, kém hấp dẫn hơn với ảnh hưởng không còn mạnh mẽ” - ông Milan Igrutinovic, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu châu Âu (Bỉ), nói với hãng tin Sputnik.
Trong lúc chưa biết đối phó ra sao với cuộc khủng hoảng di cư, tâm trạng các nước thành viên EU còn rối bời bởi viễn cảnh Anh dứt áo ra đi. Muốn thuyết phục cử tri Anh chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra trước cuối năm 2017, EU phải chạy đua tìm sự đồng thuận về các thỏa thuận cải cách.
Cái khó ở đây là Thủ tướng Anh David Cameron vừa tuyên bố sẽ bác bỏ bất kỳ đề xuất nào từ EU nếu nó không bao gồm những biện pháp mạnh mẽ để kiềm chế dòng người di cư. Đòi hỏi này càng “cột chân” EU: Làm sao vừa duy trì khu vực Schengen vừa không làm phật lòng Anh, một quốc gia đứng ngoài khu vực này.
Tờ Financial Times nhận định nếu muốn cứu khu vực Schengen, các nhà lãnh đạo châu Âu phải thể hiện tinh thần đoàn kết và ý chí chính trị vẫn còn thiếu cho đến giờ. Ngoài ra, họ cần nhận ra rằng việc tận hưởng những lợi ích của biên giới chung đồng nghĩa phải chấp nhận những tiêu cực kèm theo. Nếu khu vực Schengen buộc phải thu hẹp quy mô để tồn tại thì đây vẫn là cái giá có thể chấp nhận được.
Bình luận (0)