Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa toàn cầu và ca ngợi những thành tựu mà chính quyền ông đạt được hôm 25-9 nhận lại không ít cái lắc đầu và thậm chí là tiếng cười chế giễu từ các lãnh đạo thế giới.
Bất đồng ra mặt
Trong bài phát biểu kéo dài 35 phút tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Donald Trump đưa ra những con số kinh tế ấn tượng, sức mạnh quân đội Mỹ vượt trội so với trước đây và khẳng định chính quyền ông đạt được những thành quả mà không có bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào trong lịch sử Mỹ làm được trong vòng chưa đến 2 năm.
Theo hãng tin AP, chỉ vừa nghe vài câu đầu trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ, tiếng cười bật ra từ hàng ghế cử tọa. Ông chủ Nhà Trắng bối rối trong chốc lát, rồi mỉm cười nói đó không phải là phản ứng ông mong đợi nhưng... "cũng không sao".
AP cho rằng phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới càng cho thấy rõ ràng tổng thống Mỹ bị cả đồng minh lẫn kẻ thù cô lập. Bởi lẽ, chính sách chủ nghĩa dân tộc của ông gây chia rẽ với các đối tác truyền thống và tạo sự ngờ vực về các cam kết của Mỹ trên thế giới.
Tờ The Washington Post (Mỹ) cho hay ông Trump còn đề cập những diễn biến lạc quan về vấn đề Triều Tiên cũng như có những cảnh báo cứng rắn đến các lãnh đạo Syria, Venezuela và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiếm nhiều thời lượng hơn cả là những chỉ trích nhắm vào Iran. Một mặt cáo buộc Tehran đeo bám tham vọng hạt nhân và gây bất ổn khắp Trung Đông thông qua việc ủng hộ các nhóm vũ trang ở Syria, Lebanon và Yemen, mặt khác ông Trump nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế đối với Iran.
Phát biểu không lâu sau tổng thống Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phản pháo mạnh mẽ và công kích việc ông Trump rút Mỹ khỏi các thể chế toàn cầu là dấu hiệu của "trí tuệ kém". Ông Rouhani nhấn mạnh: "Chống lại chủ nghĩa đa phương không thể hiện sức mạnh mà là dấu hiệu của sự yếu kém trí tuệ. Điều đó cho thấy sự thiếu hiểu biết về một thế giới phức tạp và kết nối".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25-9 Ảnh: REUTERS
Thế giới e dè Mỹ
Gay gắt không kém, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không ngần ngại chỉ trích nhiều lần chính sách của Mỹ trong hàng loạt vấn đề về Iran, biến đổi khí hậu, LHQ, nhập cư và hòa bình Trung Đông. Nhiều lần cao giọng trong bài phát biểu, vị tổng thống 40 tuổi bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể - quan điểm giúp ông nhận được nhiều tràng vỗ tay.
Thậm chí, theo trang The Hill (Mỹ), nhà lãnh đạo Pháp khẳng định sẽ bắt đầu thực hiện các thỏa thuận thương mại dựa vào tư cách thành viên trong Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015. "Chúng tôi sẽ không ký hiệp định thương mại với các quốc gia không tôn trọng Hiệp định Khí hậu Paris" - ông Macron nói trước Đại Hội đồng LHQ, rõ ràng ám chỉ việc Mỹ là quốc gia duy nhất không tham gia thỏa thuận này sau khi rút lui theo quyết định của ông Trump vào tháng 6-2017.
Ngay cả Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng lo ngại lập trường của tổng thống Mỹ khi cảnh báo thế giới đang đối mặt tình trạng "giảm lòng tin nghiêm trọng", với sự phân cực gia tăng và sự hợp tác giữa các quốc gia trở nên khó khăn hơn. Mối lo này hiển hiện khi ông Trump tuyên bố nắm bắt cơ hội để khẳng định sự độc lập của Mỹ đối với LHQ.
Ngược lại, nhân vật đứng đầu LHQ nhấn mạnh hợp tác toàn cầu là niềm hy vọng duy nhất để giải quyết những thách thức và đe dọa trong "thời đại ngày càng hỗn loạn". Đề cập sự chia rẽ mạnh mẽ trong Hội đồng Bảo an LHQ, ông Guterres tỏ rõ rằng bên cạnh nhiệm vụ nâng cao sự thịnh vượng của người dân, các nhà lãnh đạo cũng phải hỗ trợ và tăng cường hệ thống đa phương.
Việt Nam đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 26-9 dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại TP New York - Mỹ. Tham dự phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh thông điệp tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân, trong đó đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, việc tham dự phiên họp quan trọng này của Ðại Hội đồng LHQ tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm chung và hành động vì hòa bình, thịnh vượng của toàn thế giới. Sự tham dự này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, qua đó khẳng định vai trò của Việt Nam cùng các thành viên khác của LHQ chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.
Hoàng Phương
Bình luận (0)