Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại TP New York - Mỹ từ ngày 25-9 để tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), tập trung thảo luận về những vấn đề chính trị và chính sách quan trọng nhất đang tác động đến thế giới.
Theo đài Al Jazeera, những điểm nóng dự kiến được nói đến nhiều tại kỳ họp lần này là tình hình Syria, Triều Tiên, Iran… Kỳ họp sắp tới diễn ra giữa lúc LHQ cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo chưa từng có khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad có động thái tái chiếm những vùng lãnh thổ còn lại trong tay phiến quân, trong đó có tỉnh Idlib với 3 triệu thường dân. Giới chức LHQ đã thúc giục mọi bên liên quan bảo đảm không để dân thường bị đe dọa nhưng xem ra lời kêu gọi này đã bị bỏ ngoài tai.
Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran chắc chắn sẽ chiếm một phần quan trọng của chương trình nghị sự năm nay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Trong bài diễn văn dự kiến trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 25-9, ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ tiếp tục những lời lẽ công kích Iran, thậm chí có thể mạnh mẽ hơn so với kỳ họp năm ngoái. Chưa hết, ông Trump còn chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ trong ngày 26-9 để bàn về Iran và nỗ lực hạn chế vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái Ảnh: TASS
Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến tham dự kỳ họp trên dù trong nội bộ Tehran xuất hiện lời kêu gọi ông ở nhà để phản đối lập trường của Mỹ. Trái lại, những người theo đường lối cải cách thúc giục nhà lãnh đạo Iran đến New York để phát đi thông điệp về hòa bình và ngoại giao.
Dù chưa rõ ông Rouhani sẽ phát biểu những gì nhưng nhà lãnh đạo này hôm 22-9 đưa ra tuyên bố thách thức nhằm vào Mỹ khi cho rằng ông Trump sẽ thất bại trong cuộc đối đầu với Tehran, giống như số phận của Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ông cũng tuyên bố Iran sẽ không từ bỏ chương trình tên lửa bất chấp sức ép của Mỹ.
Khác với vấn đề hạt nhân Iran, tình hình bán đảo Triều Tiên đã bớt căng thẳng so với khi ông Trump phát biểu lần đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ vào năm ngoái, trong đó nổi bật là lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bình Nhưỡng nếu nước này không ngừng các hành động khiêu khích. Trong một năm qua, thế giới đã chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6, dẫn đến cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên.
Ngay cả khi tiến trình này chưa đạt được tiến triển đáng kể nào, quyết tâm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn được các bên liên quan nỗ lực duy trì. Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết sẽ trao cho ông Trump lá thư của ông Kim Jong-un khi hai người gặp nhau bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ sắp tới.
Sau khi gây sốc với lời đe dọa Triều Tiên năm ngoái, ông Trump dự kiến tiếp tục là tâm điểm tại các sự kiện sắp tới tại TP New York với sự khó đoán của mình. Ngoài những hoạt động nói trên, lịch làm việc của nhà lãnh đạo Mỹ còn gồm bài phát biểu tại hội nghị về chống ma túy trong ngày 24-9, cuộc gặp song phương với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và nhà lãnh đạo 6 nước Hàn Quốc, Ai Cập, Pháp, Israel, Nhật Bản, Anh.
Tờ The Guardian nhận định không có gì bảo đảm ông Trump sẽ không sử dụng những sự kiện này để lấy lòng người ủng hộ và thúc đẩy chính sách "nước Mỹ trên hết".
Trong số những nhà lãnh đạo sắp gặp ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc xoa dịu phàn nàn của nhà lãnh đạo Mỹ về sự mất cân bằng thương mại giữa 2 nước. Vào đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng tỏ ý có thể đánh thuế 25% lên xe, phụ tùng xe của Nhật Bản để giảm thâm hụt thương mại với Tokyo. Đài CNBC nhận định động thái này được xem là công cụ mặc cả để Washington có được thỏa thuận thương mại tự do với Tokyo.
Bình luận (0)