Những con hải âu con háu ăn trên đảo Lord Howe vẫn thường chờ cha mẹ tìm mồi về tổ. Tuy nhiên, thay vì tìm được những con mồi như cá và mực, chúng lại tha về tổ những chiếc kẹp quần áo, nắp chai nhựa và những mảnh đồ chơi xếp hình cho chim con ăn.
90 ngày sau, những chú chim non bụng chứa đầy nhựa tiến tới giai đoạn tập bay. Đáng thương thay, nhiều con chim đã suy dinh dưỡng đến mức chết ngay bên ngoài tổ khi chưa kịp sải cánh trên bầu trời. Một số con bay được ra biển nhưng cuối cùng cũng bỏ mạng vì những đôi cánh chưa phát triển đầy đủ.
Ông Ian Hutton, một nhà quản lý tự nhiên và bảo tàng trên đảo Lord Howe, đã đưa xác những con chim xấu số lên bờ để kiểm tra nguyên nhân cái chết bằng cách mổ bụng chúng. Có lần, ông Hutton và các nhà nghiên cứu tìm thấy 274 mảnh nhựa trong dạ dày của một con chim.
Những mảnh nhựa trong bộ xương của một con chim. Ảnh: The Sydney Morning Herald
Rác thải nhựa trong bụng một con chim. Ảnh: The Sydney Morning Herald
"Thật khó chịu khi nghĩ đến việc con chim này được cha mẹ nuôi và cho ăn. Đáng lẽ nó đã có cơ hội bay ra biển nhưng lại bỏ mạng. Khi chúng tôi mổ bụng chúng và lôi ra các mảnh nhựa, một số người đã thật sự bật khóc khi nhìn thấy cảnh tượng đó" - ông Hutton kể lại.
Những cái chết khốn khổ của loài chim biển chính là tình trạng bị Liên Hiệp Quốc gọi là "cuộc khủng hoảng hành tinh" do rác thải nhựa trên biển gây ra.
Trong vòng vài thập kỷ kể từ khi quá trình sản xuất quy mô lớn bắt đầu vào những năm 1950, rác thải nhựa đã tràn ngập các con sông và đại dương bằng nhiều con đường khác nhau. Riêng tại Úc, có tới 1,5 triệu tấn nhựa được sử dụng trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, tương đương 65 kg/người, và chỉ có 20% là được tái chế.
Chim hải âu lặn dưới biển ngoài khơi đảo Lord Howe. Ảnh: The Sydney Morning Herald
Mảnh nhựa từ bong bóng khí heli được lôi ra từ bụng một con hải âu con. Ảnh: The Sydney Morning Herald
Những con hải âu con đã ăn tất cả mọi thứ, từ kem đánh răng, nắp bút cho đến đồ chơi bằng nhựa hay mảnh vỏ của chai sữa tắm. Một số mảnh vỡ thậm chí còn xuyên thủng dạ dày của chúng. Tồi tệ hơn, một số con còn bị hóa chất thấm vào máu.
Bà Jennifer Lavers, chuyên gia về độc chất sinh thái biển, nói chim biển không phải là loài động vật kén ăn và có thể bị nhầm lẫn giữa con mồi với rác thải trên biển. "Nói thì nghe có vẻ buồn cười nhưng tôi rất muốn khuyến khích mọi người tận mắt nhìn thấy phần bụng của những con chim đó. Một số giải pháp cho những vấn đề của thế giới, ví dụ như biến đổi khí hậu, thật sự khó khăn. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì nhiều nhưng các giải pháp có thể được bắt đầu từ mỗi cá nhân, mỗi quyết định của chúng ta ngay tại nhà" - bà Lavers nói.
Chính vì vậy, một số bang hoặc thành phố của nước Úc đang đề ra các quy định mới, bao gồm cấm dùng ống hút nhựa, chai nhựa dùng một lần và bong bóng khí heli tại các sự kiện.
Số rác thải nhựa trong bụng một con chim. Ảnh: The Sydney Morning Herald
Bình luận (0)