Đây là một vấn đề được tờ Washington Post đặt ra trong những bài viết gần đây trong bối cảnh tình trạng rác thải nhựa đang gây báo động hơn bao giờ hết.
Riêng trong năm 2017, số rác nhựa thải ra biển đã bằng một nửa tổng số rác nhựa thải ra kể từ khi nhựa ra đời. Trong khi đó, Việt Nam là một trong năm quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới!
Chủ đề này cũng đã được đưa ra trong sự kiện "Ngày Trái đất" do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức hôm 19-4.
Phát biểu tại sự kiện Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Mary Tarnowka khẳng định sự tích tụ của các mảnh rác vụn dưới biển là một vấn đề do con người tạo ra vì vậy nó đòi hỏi một giải pháp đến từ con người.
"Khi chất thải của chúng ta xâm nhập vào các sinh cảnh biển, nó di chuyển qua các đại dương và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Vì vậy, bảo vệ môi trường của chúng ta không chỉ là một thách thức của Chính phủ mà đó là trách nhiệm của cộng đồng"- bà Tarnowka nhấn mạnh.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM Mary Tarnowka khẳng định sự tích tụ của các mảnh rác vụn dưới biển là một vấn đề do con người tạo ra vì vậy nó đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Ảnh: Thu Hằng
Những thông tin về cá chết do ăn phải nhựa không ngừng nổi lên trong thời gian qua. Gần đây nhất phải kể tới vụ chú cá nhà táng xấu số được tìm thấy hồi tháng 2 ở bờ biển Murcia, miền nam Tây Ban Nha, mất mạng do bị sốc dạ dày và đường ruột sau khi nuốt 29 cân rác nhựa. Thông tin này đã được Tiến sĩ Davia Saiia – Đồng sáng lập của Viện Reuse Everything (REII-Mỹ), nêu cao tại sự kiện để phần nào thể hiện sự cấp bách của vấn đề cần được cả cộng đồng chung tay giải quyết này.
Vị tiến sĩ nhấn mạnh vấn đề cá chết vì rác thải nhựa này đang gây tắc nghẽn chuỗi thức ăn của Trái đất. Đến một sinh vật to lớn và mạnh mẽ như cá nhà táng cũng chết vì ăn phải rác nhựa!
Theo các chuyên gia, rác thải nhựa trên biển đang tạo nên những bi kịch đau lòng với sinh vật ở đây, những con cá chết được tìm thấy với những cái bụng "no nê nhựa", nhưng thực ra lại mất mạng vì đói. Nhựa xâm nhập vào cơ thể cá làm chúng không còn chỗ cho thức ăn, từ đó chúng bị chết đói.
Giải pháp xử lý rác thải nhựa được REII đưa ra là thiết kế một máy xử lý rác nhựa sử dụng sóng siêu âm và tái chế. Biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa mà còn đem lại các cơ hội giảm nghèo cho cộng đồng.
Tiến sĩ Davia Saiia – Đồng sáng lập của Viện Reuse Everything (REII-Mỹ) - chia sẻ về giải pháp của REII. Ảnh: Thu Hằng
Trong khi đó, chia sẻ vè mạng lưới Zero Waste Saigon của mình, ông Michael Burdge – một người Mỹ hiện đang sống cùng vợ và con gái ở TP HCM, cho biết ông cùng vợ đã quyết định không bao giờ động tới đồ nhựa nữa ngay vào khoảnh khắc chứng kiến một con khỉ trong rừng ăn túi ni lông gần đây.
Ông Michael Burdge (thứ ba từ trái sang phải) chia sẻ về mạng lưới Zero Waste Saigon.Ảnh: Thu Hằng
Khi mới thành lập chưa được một tháng, Zero Waste Saigon đã thu hút được hơn 1000 thành viên và hiện đã có hơn 2.500 người tham gia gồm cả người Việt Nam và nước ngoài. Các thành viên của Zero Waste Saigon tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Ông Michael cùng vợ sáng tạo, tìm kiếm và làm ra các sản phẩm thay thế như ống hút tre, túi mua sắm và ly tách có thể tái sử dụng…
Bình luận (0)