Theo hãng tin Reuters, tiến sĩ Agam Rao từ CDC cho biết trong một cuộc họp báo ngày 23-6 rằng bên cạnh các báo cáo liên quan đến ca bệnh nhập khẩu - từ người đi nước ngoài về - thì CDC đã có bằng chứng về sự lây truyền tại chỗ, tức lây truyền trong cộng đồng ở các địa phương.
Tiến sĩ Rao cũng cảnh báo các ca bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm nam giới quan hệ tình dục đồng giới nhưng một số phụ nữ cũng nhiễm bệnh. Đã có báo cáo về sự lây truyền giữa các thành viên trong gia đình và những người liên hệ gần gũi.
Trụ sở CDC - Ảnh: CDC
Ông nhấn mạnh rằng trên thế giới từng có các báo cáo cho thấy những người dùng chung giường, khăn tắm, các thành viên trong gia đình... cũng bị lây bệnh, do đó căn bệnh này không chỉ lây qua "tiếp xúc thân mật gần gũi".
Trước đó, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng đậu mùa khỉ không nên được coi chỉ là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, bởi nó hoàn toàn có thể lây qua nhiều con đường khác, bao gồm cả tiếp xúc da thông thường hoặc đường hô hấp, tuy khả năng lây là thấp.
Tờ Medical Xpress cho biết báo cáo của CDC đã thống kê được khoảng 3.300 ca đậu mùa khỉ ở 42 quốc gia trước đây không thường xuyên có dịch bệnh, chủ yếu tập trung ở châu Âu. Tuy nhiên khoảng hơn 1.400 ca nghi nhiễm khác đang hiện diện ở một số quốc gia châu Phi.
Trong khi đó thống kê của WHO ngày 23-6 là hơn 3.200 ca toàn cầu (đã xét nghiệm) ở 48 quốc gia và gần 1.500 ca nghi nhiễm ở Trung Phi, với 70 ca tử vong, theo Reuters. Thông tin từ phiên họp của Ủy ban Khẩn cấp (IHR) trong ngày cũng tiết lộ có 1 ca tử vong ngoài châu Phi đã được xác nhận.
Hầu hết các ca bệnh ở châu Phi vẫn là "nghi nhiễm", bởi rào cản là năng lực xét nghiệm. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhưng không được xét nghiệm khẳng định nên vẫn gọi là "nghi nhiễm", dù họ được điều trị như một ca bệnh.
Bình luận (0)