Đó là một trong những cảnh báo được tiến sĩ Tedros đưa ra tại bài phát biểu trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp của WHO đang diễn ra, nhằm xem xét liệu có nên công bố đậu mùa khỉ là một PHEIC, tức "Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm" hay không.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO
Một PHEIC điển hình trước đó chính là đại dịch Covid-19. Việc công bố một dịch bệnh là PHEIC sẽ có ảnh hưởng lớn đến các phản ứng quốc tế và yêu cầu đối với từng quốc gia thành viên liên quan đến căn bệnh đó.
Cảnh báo đầu tiên được người đứng đầu WHO đưa ra, đó là nhân loại cần nhìn nhận sự "thiếu hiểu biết" về căn bệnh, theo trích dẫn trên website của Liên Hiệp Quốc.
"Sự lây truyền từ người đang diễn ra và có thể bị đánh giá thấp. Tại Nigeria, tỉ lệ phụ nữ bị ảnh hưởng cao hơn nhiều so với những nơi khác, và điều quan trọng là phải hiểu rõ hơn về cách dịch bệnh lây lan ở đó" - tiến sĩ Tedros nhấn mạnh và cho biết gần 1.500 trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ với 70 ca tử vong đã được báo cáo ở Trung Phi nhưng rất ít trường hợp được xác nhận (vì năng lực xét nghiệm ở châu Phi rất hạn chế).
Điều này ngụ ý suy nghĩ "truyền thống" rằng ở châu Phi, đậu mùa khỉ lưu hành bấy lâu là do lây từ động vật sang người nên được xem xét lại; song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu thêm về căn bệnh.
Cảnh báo thứ hai, ông nói: "Đôi khi tôi thấy hậu quả của việc các quốc gia không minh bạch, không chia sẻ thông tin"; đồng thời kêu gọi tăng cường tìm kiếm ca bệnh, truy vết, giải trình tự gien virus.... và thực hiện các biện pháp kiểm dịch khác, đồng thời chia sẻ thông tin để cùng nhau cứu sống người bệnh.
Cảnh báo thứ ba, người đứng đầu WHO cho rằng nhân viên y tế đang chịu rủi ro và bệnh có thể bị nhiễm bệnh nếu không được trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.
Trước đó, các chuyên gia từ WHO và các cơ quan y tế hàng đầu đã cho biết đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc da kề da, qua dịch tiết hay dịch từ bóng nước của bệnh nhân và lây yếu qua đường hô hấp. Vì vậy, tuy nguy cơ chung cho cộng đồng là thấp nhưng nguy cơ đối với những người chăm sóc y tế trực tiếp cho bệnh nhân là hiện hữu. Một số quốc gia đã triển khai tiêm phòng vắc-xin đậu mùa (ngừa cả đậu mùa khỉ) cho một số nhân viên y tế.
Cảnh báo thứ tư, tiến sĩ Tedros cho rằng cần giải quyết sự kỳ thị, phân biệt đối xử và các thông tin sai lệch, một cách nhanh chóng và dứt khoát.
"Chúng ta cần hợp tác với tư cách là một cộng đồng quốc tế để tạo ra dữ liệu lâm sàng và hiệu quả lâm sàng cần thiết về vắc-xin và phương pháp điều trị để chống lại bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời đảm bảo việc phân phối nó một cách công bằng" - tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Bình luận (0)