Theo hãng tin AP, trước đây các trường hợp mắc đậu mùa khỉ chỉ được báo cáo ở những người có yếu tố dịch tễ rõ ràng, tức có mối liên hệ với Trung và Tây Phi. Nhưng trong tuần qua các ca bệnh chủ yếu được báo cáo ở nam thanh niên trước đây chưa từng đi du lịch châu Phi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hơn 80 trường hợp được xác nhận trên toàn thế giới và hàng chục trường hợp nghi ngờ khác. Vào ngày 20-5 có thêm Pháp, Đức, Bỉ, Úc có ca bệnh; ngày 21-5 tiếp tục có Hà Lan báo cáo nhiều ca.
Làn sóng ở các quốc gia Âu - Mỹ là các trường hợp bệnh nhẹ, chưa có tử vong. Đậu mùa khỉ thường ủ bệnh trong khoảng 1-3 tuần, phát bệnh rồi khỏi trong 2-4 tuần.
"Tôi choáng váng vì điều này. Mỗi ngày tôi thức dậy và có thêm nhiều quốc gia có ca nhiễm. Đây không phải kiểu lây lan mà chúng tôi thường thấy ở Tây Phi, vì vậy có thể có điều gì đó mới xảy ra ở phương Tây" - nhà virus học Oyewale Tomori, người từng đứng đầu Học viện Khoa học Nigeria và là thành viên một số ban cố vấn của WHO, nói với AP.
Bàn tay một bệnh nhân đậu mùa khỉ ở châu Phi - Ảnh: REUTERS
Theo tiến sĩ Ifedayo Adetifa, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria - nơi một trong những bệnh nhân Anh đầu tiên từng đi du lịch - không có bất kỳ người tiếp xúc nào của anh ta có triệu chứng đậu mùa khỉ.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hán Kluge mô tả đợt bùng phát lần này là "không điển hình" và cho rằng có thể dịch bệnh đã xảy ra âm thầm một thời gian.
Hôm 20-5, Cơ quan An ninh y tế Anh báo cáo thêm 11 ca đậu mùa khỉ và cho biết "một tỉ lệ đáng chú ý" người bệnh là nam thanh niên không có tiền sử du lịch đến châu Phi và là người đồng tính, song tính hoặc có quan hệ tình dục với nam giới. Báo cáo tương tự cũng đến từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Các nhà khoa học WHO và Anh quốc vẫn đang điều tra theo hướng lây nhiễm qua đường tình dục có thể là con đường phổ biến dẫn đến làn sóng dịch này.
WHO dự báo sẽ có thêm nhiều ca đậu mùa khỉ nữa xuất hiện. Đó cũng là ý kiến của tiến sĩ Charlotte Hammer, chuyên gia về các bệnh mới nổi của Trường ĐH Cambridge - Anh.
"Có thể là hiện tại virus đã khác hoặc có lẽ tính nhạy cảm của chúng ta đối với nó đã thay đổi. Ngoài ra, có thể chỉ là chúng ta đã gặp phải một cơn bão hoàn hảo của các điều kiện đã cho phép virus lây lan theo cách này. Tôi nghĩ rằng kịch bản sau có nhiều khả năng xảy ra hơn" - The Guardian dẫn lời tiến sĩ Hammer.
Hãng tin Reuters trích dẫn phát biểu của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO David Heymann, cho rằng có thể chính việc đậu mùa khỉ xâm nhập vào cộng đồng dưới dạng bệnh lây truyền qua đường tình dục đã làm tăng khả năng lây lan của nó trên toàn thế giới.
Một yếu tố có thể góp phần đó là tầm ảnh hưởng của vắc-xin ngừa đậu mùa - vốn ngừa được cả đậu mùa khỉ - đã giảm bớt.
Bệnh đậu mùa đã chính thức được nhân loại khai trừ vào năm 1977 và đến năm 1980, WHO đã khuyến cáo ngừng tiêm chủng đậu mùa. Một số nước như duy trì thêm một số năm nữa rồi ngừng hẳn, một số nước đã ngừng tiêm trước đó như Mỹ. Vì vậy, trên thế giới từ thế hệ ra đời vào khoảng 30-40 năm trước trở về sau không được chủng ngừa đậu mùa.
Bình luận (0)