Trong động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24-2 công bố đề xuất 12 điểm, theo đó kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa Moscow và Kiev, cũng như tiến hành hòa đàm.
"Đối thoại và đàm phán là con đường khả thi duy nhất để giải quyết khủng hoảng Ukraine" - đề xuất khẳng định, đồng thời kêu gọi chấm dứt đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, thực hiện các biện pháp ngăn chặn những cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở dân sự, giữ an toàn cho cơ sở hạt nhân, thiết lập hành lang nhân đạo và bảo đảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Đề xuất cũng kêu gọi chấm dứt "tư tưởng chiến tranh lạnh" trong lúc nhấn mạnh lợi ích và mối quan ngại an ninh chính đáng của mọi quốc gia cần được xem xét nghiêm túc và giải quyết phù hợp. Tái khẳng định lập trường của Trung Quốc, đề xuất kêu gọi các bên "không sử dụng vũ khí hạt nhân, không tiến hành chiến tranh hạt nhân".
Cuộc khủng hoảng Ukraine là một trong những nội dung thảo luận tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva (trái) tại Nhà Trắng hôm 10-2.Ảnh: Reuters
Theo chuyên gia Shi Yinhong của Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, sáng kiến của Bắc Kinh dù không mới nhưng vẫn cần thiết. "Đề xuất hòa bình của Trung Quốc không thay đổi mà chỉ kết hợp các lập trường toàn diện của họ về khủng hoảng và xung đột ở Ukraine" - chuyên gia này giải thích với hãng tin AP.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài CNN, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định đề xuất của Trung Quốc "có thể dừng lại ở điểm một, đó là: Tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia".
Ngoài ra, giới chức Mỹ còn nghi ngờ về sự trung lập của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng do mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nga. Dù vậy, với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sáng kiến nêu trên của Trung Quốc vẫn là một tín hiệu tích cực.
"Càng nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng, suy nghĩ về giải pháp chấm dứt xung đột theo hướng tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, điều đó càng sớm xảy ra" - ông Zelensky khẳng định, đồng thời cho biết ông sẵn sàng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Không chỉ có Trung Quốc, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng đang đẩy mạnh nỗ lực làm trung gian hòa giải nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Theo trang tin Bloomberg, ý tưởng của nhà lãnh đạo Brazil là lập một nhóm quốc gia, có thể bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, để làm trung gian cho hòa đàm.
Hãng tin TASS hôm 23-2 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết Moscow đang nghiên cứu đề xuất của Tổng thống Lula trong khi tiếp tục đánh giá tình hình ở Ukraine. Theo 2 quan chức Brazil giấu tên, hiện chưa có đề xuất chính thức nào được gửi tới Nga và Moscow đã thảo luận ý tưởng trên dựa trên những phát biểu công khai của ông Lula.
Các nhà ngoại giao Brazil gần đây đã tăng cường nỗ lực thuyết phục các đối tác quốc tế và thảo luận với ít nhất 21 quốc gia về ý tưởng của ông Lula trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức tuần rồi.
Trước đó, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2023, ông Lula đã thảo luận với một số nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bình luận (0)