Biệt đội tin tặc khó lường của Triều Tiên có thể tấn công tàu chiến Mỹ tập trận ngoài khơi bờ biển nước này, điều khiển chúng quay đầu đâm vào đồng đội. Chuyên gia quốc phòng Matt Morris, Phó Chủ tịch Công ty An ninh mạng NexDefense (Mỹ), cảnh báo như vậy trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc triển khai một hạm đội khổng lồ gồm 40 tàu chiến và tàu ngầm tập trận gần Triều Tiên từ ngày 15 đến 20-10.
Tay chơi trên mạng
Ông Morris cho rằng chiến binh mạng Triều Tiên có khả năng chiếm quyền kiểm soát hệ thống định vị (GPS) các tàu hải quân Mỹ và gửi cho chúng những lệnh có thể dẫn tới thảm họa. Theo Bloomberg, kỹ năng can thiệp GPS và thiết lập xung điện từ để hạ gục máy tính đối thủ của quân đội Triều Tiên đã được rèn luyện âm thầm từ thời ông Kim Jong-il, thân phụ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo phân tích của chuyên gia Morris, ngoài việc gây rối loạn trên tàu chiến Mỹ, các cuộc tấn công từ tin tặc còn có thể gây ra những hậu quả chết chóc nếu hệ thống chống tên lửa trên tàu bị chiếm quyền điều khiển. Chúng có thể bị làm tê liệt, mất khả năng phòng thủ đối với rocket của Bình Nhưỡng. Nếu nhanh tay, tin tặc còn có thể dẫn dắt tàu hải quân Mỹ tới các vị trí nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên.
"Những tàu này phụ thuộc rất nhiều vào GPS. Nếu GPS bị can thiệp, các tàu chiến sẽ tưởng rằng đang đi đúng hướng nhưng thực tế, chúng lại đang ở một vị trí hoàn toàn khác" - ông Morris phân tích. Chuyên gia này còn báo động về việc những hệ điều hành lỗi thời trên tàu chiến Mỹ có thể dễ dàng bị tổn thương.
Đến nay, giới chức quân sự Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về cảnh báo được vị chuyên gia của NexDefense đưa ra hôm 21-10. Tuy nhiên, hãng tin Reuters ngày 22-10 cho biết chính phủ Mỹ đã đưa ra một cảnh báo công khai hiếm thấy rằng những tin tặc tinh vi đang nhằm vào các hãng năng lượng và công nghiệp nước này.
Cảnh báo nêu trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi đài NBC dẫn một thông báo mới của Công ty An ninh mạng FireEye gửi tới khách hàng cho biết tin tặc Triều Tiên gần đây đã gửi thư điện tử chứa mã độc tới các công ty điện của Mỹ. Theo đó, tin tặc Triều Tiên dùng những thư mời giả từ một tổ chức gây quỹ để nhằm vào các công ty điện của Mỹ. Công ty nào tải thư mời qua email thì cũng tải luôn mã độc vào hệ thống máy tính của mình. "Đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên là một tay chơi trong lĩnh vực xâm nhập mạng và họ đang phát triển năng lực để có thể gây tổn hại tới chúng ta" - ông C. Frank Figliuzz, cựu lãnh đạo cơ quan chống do thám thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhận xét.
Thông tin này nổi lên giữa lúc giới chức tình báo Mỹ đang ngày càng quan ngại rằng Triều Tiên sẽ đối phó những áp lực ngày càng gia tăng từ Washington bằng cách sử dụng năng lực mạng rất khó nắm bắt của họ để tấn công cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Theo đài CNBC, báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ và FBI công bố đêm 20-10 cho thấy các ngành công nghiệp hạt nhân, năng lượng, hàng không và sản xuất quan trọng của nước này đang bị tin tặc nhắm tới. Chưa kể, từ tháng 5-2017, những vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ cũng xảy ra với tần suất thường xuyên hơn.
Lời cảnh báo chết chóc
Một số chuyên gia Mỹ tỏ ra tự tin về sự kiên cố của cơ sở hạ tầng nước này. Chuyên gia an ninh mạng Robert Lee nhận định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào từ một thế lực bên ngoài nhằm vào hệ thống cơ sở hạ tầng Mỹ cũng là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, riêng về hệ thống điện của Mỹ, Triều Tiên sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới có thể phá hủy.
Giới chuyên gia cho rằng coi thường đối thủ là một sai lầm không nên mắc phải trong bối cảnh hiện nay, khi thực tế không phải tất cả cơ sở thuộc mạng lưới điện trên toàn nước Mỹ được bảo vệ chặt chẽ như nhau. Vốn ngân sách rót không đều khiến nhiều cơ sở vẫn còn phải sử dụng trang thiết bị cũ kỹ và hệ thống bảo mật an ninh mạng lỗi thời. Ngoài ra, sự cách biệt khá lớn giữa các công ty điện tư nhân của Mỹ vẫn tồn tại.
"Tin tặc Triều Tiên hoặc bất kỳ nước nào khác có thể sẽ bắt đầu tập trung vào những mắt xích yếu nhất. Phát hiện được điểm yếu đó, họ sẽ tìm cách khai thác. Do vậy, cần phải tăng cường an ninh ở những khâu này" - ông Figliuzzi cẩn trọng.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ hôm 12-10 đã nhận được cảnh báo Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ bằng bom xung điện từ (EMP) hạt nhân. Bom này có thể vô hiệu hóa mạng lưới điện và tiêu diệt 90% dân số Mỹ trong vòng 1 năm.
Lời cảnh báo đầy chết chóc nêu trên đến từ các chuyên gia William Graham và Peter Vincent Pry của Ủy ban EMP trong một báo cáo đưa ra tại buổi điều trần ở Hạ viện Mỹ. Theo trang Washington Examiner, các chuyên gia này từng cảnh báo Bình Nhưỡng có thể dễ dàng tiến hành "kịch bản ngày tận thế" để biến nhiều nơi trên đất Mỹ thành tro bụi.
Báo The Wall Street Journal hồi tháng 9 đã dẫn lại tuyên bố của Bình Nhưỡng dọa sẽ sử dụng bom EMP cực mạnh để tàn phá mạng lưới điện của Mỹ. Song, trớ trêu là ủy ban chuyên về EMP của Quốc hội Mỹ - được thành lập từ năm 2000 - lại bị giải tán vô thời hạn 3 tuần sau đó vì những lý do liên quan tới cắt giảm ngân sách. Tờ The Hill của Mỹ gọi đây là "một thảm kịch an ninh quốc gia diễn ra trong lặng lẽ".
Hàn Quốc thủ sẵn "bom mềm"
Tại Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ ở sát bên Triều Tiên, những lo ngại về việc Bình Nhưỡng có thể sử dụng bom EMP để làm tê liệt hệ thống liên lạc, mạng lưới điện rồi hệ thống tài chính của nước này cũng đang nổi lên.
Phía Seoul đang ráo riết chuẩn bị một loại bom "dành riêng" cho lưới điện của Triều Tiên. Các nguồn tin quân sự Hàn Quốc mới đây tiết lộ Cơ quan Phát triển quốc phòng nước này đã phát triển bom than (còn gọi là "bom cắt điện") nhằm làm tê liệt mạng lưới điện của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Bom than thường được gọi là "bom mềm" vì chỉ ảnh hưởng đến mạng lưới điện, hoạt động bằng cách truyền các sợi carbon graphite được xử lý hóa học khi phát nổ bên trên các nhà máy điện để gây đoản mạch và phá hủy mạng lưới điện.
Kỳ tới: Kho vũ khí bí mật
Bình luận (0)