Trong bối cảnh chiến lược quốc phòng quốc gia mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump xem Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu, câu hỏi đặt ra là Washington có nên lo ngại bước tiến mới về khả năng quân sự của Bắc Kinh hay không.
Cần nhấn mạnh đến sự thừa nhận của Lầu Năm Góc, theo đó, Trung Quốc cho dù đang phát triển khả năng không kích để tấn công các mục tiêu càng xa nước này càng tốt nhưng vẫn chưa phát đi thông điệp rõ ràng về ý định của mình. Nói cách khác, Trung Quốc có thể không có ý tấn công những mục tiêu của Mỹ và đồng minh ngay cả khi nỗ lực cải thiện năng lực nói trên.
Một máy bay B-52 của Mỹ Ảnh: REUTERS
Quan trọng hơn, an ninh quốc gia Mỹ không vì thế mà lâm nguy. Phạm vi hoạt động của máy bay ném bom Trung Quốc vẫn chưa vươn đến lục địa Mỹ. Ngay cả khi kịch bản này xảy ra, kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ - gồm khoảng 1.550 đầu đạn, 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền, 14 tàu ngầm Trident mang tên lửa đạn đạo, 18 chiếc B-2 và 42 chiếc B-52 (2 loại máy bay ném bom tầm xa) - có sức răn đe mạnh mẽ. Ngoài ra, Washington có quy mô kinh tế và chi tiêu quân sự lớn hơn Bắc Kinh nhiều.
Tóm lại, Trung Quốc có thể là cường quốc đang trỗi dậy nhưng vẫn chưa phải là đối trọng địa chiến lược xứng tầm của Mỹ trên toàn cầu. Vì thế, mối đe dọa của Trung Quốc với Mỹ, nếu có, chủ yếu hiện hữu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trách nhiệm đối phó với mối đe dọa nói trên nên được đặt lên vai các nước tại khu vực này, không phải Washington. Điều này không có nghĩa Mỹ sẽ từ bỏ đồng minh. Thay vào đó, nước này vẫn cam kết bảo đảm an ninh tại khu vực và chỉ can thiệp nếu các đồng minh tại khu vực không thể khống chế tình hình.
Bình luận (0)