Báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên quốc hội hồi tháng rồi có tiêu đề "Phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc" hé lộ sự tái cơ cấu và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tham vọng bất bại
Theo giáo sư Sandeep Gopalan thuộc ĐH Deakin (Úc), những điểm quan trọng trong báo cáo này cần được tất cả các nước trong khu vực chú ý tới. Việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành cuộc chuyển đổi lớn nhất trong lịch sử về cấu trúc và hoạt động vào năm 2017 là điều đầu tiên mà Lầu Năm Góc nhấn mạnh trong báo cáo. Theo đó, mục tiêu của bước đi này nhằm thành lập một lực lượng trên bộ linh động, đa dạng, gây sát thương có khả năng trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động chung và đáp ứng yêu cầu "bách chiến bách thắng" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thứ hai, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng làm suy giảm lợi thế hoạt động và công nghệ chủ chốt của Mỹ. Rõ ràng, đối với Trung Quốc, Mỹ vẫn là mối đe dọa hàng đầu. Bắc Kinh sử dụng cả phương tiện pháp lý và phi pháp lý để thúc đẩy các mục tiêu hiện đại hóa của mình, chẳng hạn như nhắm vào các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đánh cắp qua mạng và khai thác khả năng tiếp cận công nghệ của các công dân Trung Quốc.
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên biển được dự đoán là nơi diễn ra cuộc xung đột với Mỹ. Báo cáo nêu rằng PLA đã nhanh chóng mở rộng các khu vực hoạt động trên biển của máy bay ném bom, có được kinh nghiệm trong các vùng biển quan trọng và đang huấn luyện tấn công nhằm vào Mỹ và các mục tiêu đồng minh. Thủy quân lục chiến của Hải quân PLA sẽ được tăng cường từ 10.000 đến 30.000 thành viên vào năm 2020 với sứ mệnh mở rộng hơn so với trọng tâm hiện tại trên biển Đông.
Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc là tránh cuộc đối đầu gay gắt. Thay vào đó, Bắc Kinh tận dụng cơ hội trong những diễn biến căng thẳng để tăng cường kiểm soát hiệu quả khu vực tranh chấp nhưng tránh leo thang xung đột quân sự. Để thực hiện mục đích này, Trung Quốc kết hợp các biện pháp gia tăng với ngoại giao kinh tế, mua sự im lặng và tìm cách tiếp cận. Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới còn muốn thực hiện bước tiến lớn hướng đến thông tin hóa - khả năng sử dụng công nghệ và hệ thống thông tin để chiếm thế chủ động so với đối thủ.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc còn sử dụng các cuộc tấn công mạng để đạt được những mục tiêu chiến lược quan trọng, gồm thu thập thông tin tình báo chống lại các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, học thuật và công nghiệp quốc phòng Mỹ. Các thông tin này giúp các ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Trung Quốc hưởng lợi, hỗ trợ hiện đại hóa quân sự và có thể cho phép các lực lượng an ninh mạng của PLA xây dựng kịch bản hành động tương ứng với chiến thuật của Mỹ.
Cảnh giác quà tặng Trung Quốc
Đáng chú ý, quân đội Trung Quốc còn có tham vọng bành trướng lên không gian, mong muốn sở hữu khả năng chiến đấu trong không gian, gồm tên lửa tấn công bằng động năng, hệ thống vũ khí laser trên mặt đất và robot hoạt động trong quỹ đạo cũng như mở rộng khả năng giám sát không gian. Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cảnh báo Trung Quốc có thể đạt được khả năng tiêu hủy các vệ tinh trong không gian.
Điều khiến Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại là các máy bay ném bom có khả năng mang hạt nhân lần đầu tiên cho phép Trung Quốc sở hữu "bộ 3" hệ thống phân phối hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không. Ngoài ra, nước này đang phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tàng hình với khả năng phân phối hạt nhân có thể hoạt động trong vòng 10 năm tới.
Đề cập sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), Lầu Năm Góc nhận định đây là trung tâm khát vọng quyền lực của Trung Quốc. Bắc Kinh có ý định sử dụng sáng kiến BRI để phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các nước khu vực, định hướng lợi ích của họ sao cho phù hợp với Trung Quốc và ngăn hành động đối đầu hoặc chỉ trích về cách tiếp cận của Bắc Kinh trong các vấn đề nhạy cảm.
Theo đài ABC News (Úc), Trung Quốc cũng tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự mới ở các nước có mối quan hệ hữu nghị lâu dài và lợi ích chiến lược chung như Pakistan. Báo cáo cũng chỉ ra những bài học của các nước bị cám dỗ bởi những lợi ích kinh tế từ Trung Quốc rằng đằng sau những món quà tặng của Bắc Kinh là các cam kết quân sự.
Các binh sĩ PLA tham gia huấn luyện chiến đấu ở sa mạc Gobi tỉnh Cam Túc - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo trang The South China Morning Post (Hồng Kông), dù cho dự án BRI của Trung Quốc đang hứng nhiều chỉ trích vì nguy cơ chôn vùi nhiều nước dưới núi nợ chồng chất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thông báo rót thêm hàng tỉ USD vào các nước châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh khai mạc ngày 3-9. Tại diễn đàn gần đây nhất được tổ chức vào năm 2015, ông Tập Cận Bình từng đưa ra cam kết viện trợ và cho các nước châu Phi vay 60 tỉ USD.
Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ tận dụng bài phát biểu trước lãnh đạo 53 nước châu Phi tại diễn đàn để xoáy sâu vào khẳng định của ông trước giới chức Bắc Kinh hồi tuần rồi rằng dự án nói trên hoàn toàn cởi mở và bao quát chứ không nhằm tạo ra "một câu lạc bộ Trung Quốc". Tuy nhiên, giáo sư Shi Yinhong chuyên về quan hệ quốc tế thuộc ĐH Renmin (Trung Quốc) cho rằng những bảo đảm của ông Tập cũng khó lòng dập tắt được sự hoài nghi đã lan rộng trên toàn cầu.
Năm năm sau khi khởi xướng dự án BRI, ông Tập đang phải tìm cách bảo vệ ý tưởng "con đẻ" của mình giữa lúc lo ngại ngày càng gia tăng rằng Bắc Kinh đặt bẫy nợ ở những quốc gia thiếu khả năng hoàn trả. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định thương mại của nước này với các quốc gia thuộc dự án BRI đã vượt 5.000 tỉ USD, trong đó đầu tư trực tiếp vượt 60 tỉ USD. Tuy vậy, một số nước ngày càng lo ngại về cái giá phải trả. Hồi tháng rồi, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đình chỉ 3 dự án do Trung Quốc hỗ trợ, trong đó có một tuyến đường sắt trị giá 20 tỉ USD.
Tại Pakistan, đảng của tân thủ tướng Imran Khan cam kết minh bạch hơn giữa những lo ngại về khả năng của nước này trong việc trả lại các khoản vay từ Trung Quốc liên quan tới hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá nhiều tỉ USD. Trong khi đó, nhà lãnh đạo đối lập đang lưu vong của Maldives Mohamed Nasheed gọi các hành động của Trung Quốc ở quần đảo Ấn Độ Dương chẳng khác gì "chiếm đất" với việc Bắc Kinh nắm 80% số nợ của nước này. Sri Lanka là nước thấm thía hơn ai hết về cái giá quá đắt của lún sâu vào vay nợ Trung Quốc.
Nước này đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm một cảng chiến lược năm ngoái để cấn trừ các khoản nợ liên quan tới một dự án 1,4 tỉ USD.
Đối tác mơ hồ
Châu Phi là mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chống lại những nghi ngại về bẫy nợ Trung Quốc của ông Tập. Tuy vậy, nhiều chính phủ ở lục địa giàu tài nguyên này cũng ngày càng nhận thấy rõ nguy cơ gánh nợ từ các khoản vay của Trung Quốc, từ đó tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận có lợi hơn cho họ. "Ngoại giao bẫy nợ là thách thức thực sự không chỉ đối với các quốc gia mắc nợ tại châu Phi mà còn với chính quốc gia viện trợ như Trung Quốc, vì gánh nặng nợ nần chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao ở cả cấp độ song phương lẫn đa phương" - chuyên gia về quan hệ châu Phi - châu Á Seifudein Adem tại ĐH Doshisha, Nhật Bản, nhận định.
Còn theo phân tích của bà Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức J Capital Research chuyên về Trung Quốc, Bắc Kinh không có bộ máy uy tín quốc tế trong viện trợ nước ngoài để mở rộng quyền lực mềm. Nữ chuyên gia nhấn mạnh thêm: "Điều đó gây ra các vấn đề chính trị như Malaysia mà không phải ai cũng lường trước được. Khi đồng nhân dân tệ yếu đi và Trung Quốc bị thế giới xem là một đối tác ngày càng mơ hồ, nhiều khả năng các quốc gia sẽ có cái nhìn thận trọng đối với các dự án này".
Cũng bày tỏ những lo ngại đối với nguy cơ các vấn đề bẫy nợ từ dự án của Trung Quốc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Christine Lagarde hồi tháng 4 nhấn mạnh: "Đó không phải là một bữa trưa miễn phí. Đó là thứ mà tất cả mọi người đều góp vốn".
Quyết đấu
Điều cuối cùng được nêu trong báo cáo của Lầu Năm Góc là lời cảnh báo Trung Quốc không loại trừ việc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Trên một mặt trận khác, bằng cách cho vay và tăng cường sức ép ngoại giao, Bắc Kinh đã lần lượt khiến 17 đồng minh còn lại của Đài Loan, quay về phía mình và chấm dứt quan hệ với hòn đảo này, gần đây nhất là Burkina Faso vào tháng 5. Hiện chỉ còn đồng minh châu Phi duy nhất eSwatini (tên cũ Swaziland) vẫn lựa chọn đứng về phía Đài Bắc.
Bình luận (0)