Nga đã dùng quyền phủ quyết vì dự thảo không miễn trừ các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm vũ trang nằm trong danh sách đen của LHQ.
Trung Quốc cũng ủng hộ Nga ngặn chặn dự thảo trên - do Kuwait, Bỉ và Đức soạn thảo. Đây là lần phủ quyết thứ 7 của Bắc Kinh về cuộc xung đột ở Syria. Trong khi đó, Guinea Xích đạo bỏ phiếu trắng và 12 thành viên còn lại ủng hộ dự thảo nghị quyết.
Nga và Trung Quốc sau đó đưa ra dự thảo nghị quyết của họ yêu cầu đình chiến ở Tây Bắc Syria kèm với sự miễn trừ nhưng không có đủ số phiếu ủng hộ. Chỉ Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ cho dự thảo của chính họ trong khi 9 thành viên bỏ phiếu chống, còn Nam Phi, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo bỏ phiếu trắng.
Nga đã dùng quyền phủ quyết lần thứ 13 trong cuộc bỏ phiếu về vấn đề Syria. Ảnh: Reuters
Muốn được thông qua, một dự thảo nghị quyết cần nhận được 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết nào từ Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh hay Mỹ.
Các quốc gia phương Tây đến nay vẫn cáo buộc các lực lượng Nga và Syria nhắm vào thường dân ở Tây Bắc Syria nhưng phía Moscow và Damacus đã phủ nhận. Thay vào đó, các lực lượng Nga và Syria nói rằng họ đang nhắm vào các nhóm phiến quân.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói trước cuộc bỏ phiếu rằng mục tiêu thực sự của dự thảo nghị quyết do Đức, Kuwait và Bỉ soạn thảo là cứu những kẻ khủng bố quốc tế đang cố thủ ở Idlib.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia. Ảnh: Twitter
Còn Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft cho rằng: "Những gì chúng ta đang chứng kiến không phải là chống khủng bố mà là một cái cớ để tiếp tục chiến dịch quân sự bạo lực chống lại những người từ chối chấp nhận chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad".
Ngay sau khi dự thảo nghị quyết đầu tiên của LHQ được Kuwait, Đức và Bỉ đề xuất, chính quyền Damascus đã tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn hôm 31-8, giúp tạm ngưng các cuộc không kích. Tuy nhiên, quân đội Syria hôm 15-9 đã pháo kích vào phía Nam Idlib, theo các nhân viên cứu hộ và người dân khu vực.
Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã nhóm họp tại thủ đô Ankara hôm 16-9 nhất trí giảm bớt căng thẳng ở khu vực Idlib nhưng những bất đồng giữa các nước này dường như vẫn tồn tại, đặc biệt là về mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bình luận (0)