Theo Đại úy Mohamed Hussein, lực lượng an ninh kiểm soát tình hình ngay trước bình minh ngày 22-1 (giờ địa phương). Trong số hơn 20 người chết có thể bao gồm cả các nghi phạm.
Thực khách tại nhà hàng Beach View Café trên bãi biển Lido nghe thấy tiếng súng và một số vụ nổ. Bên trong nhà hàng này diễn ra một bữa tiệc vào tối 21-1.
Các nhân chứng cho biết những kẻ tấn công bước vào nhà hàng và hét lớn “Allahu akbar” (Thánh Allah vĩ đại) rồi xả đạn. Trước đó, anh Ahmed Nur kể chúng bắn ngẫu nhiên vào đám đông ngoài bờ biển.
Sĩ quan cảnh sát Osman Nur nói với Reuters rằng quân đội chính phủ đã đấu súng với các nghi phạm và hoạt động của lực lượng an ninh kết thúc trước 3 giờ sáng. 17 dân thường được xác nhận đã thiệt mạng, còn lại là xác các tay súng.
Phong trào Hồi giáo cực đoan al-Shabab đã nhận trách nhiệm vụ tấn công trong một chương trình phát thanh đăng tải trên phương tiện truyền thông của nhóm.
Cảnh sát cho biết các tay súng al-Shabab thực hiện một vụ đánh bom xe vào chiều tối 21-1, một giờ sau đó lại kích hoạt quả bom thứ hai làm rung động cả trung tâm thủ đô Mogadishu. Cùng thời điểm này, quân chính phủ bao vây nhà hàng, các tay súng chống trả và bị tiêu diệt.
Vào tuần trước, phong trào Hồi giáo liên kết al-Qaeda này tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình Kenya ở Tây Nam Somalia. Nhóm tuyên bố đã giết chết khoảng 100 binh sĩ Kenya và tịch thu vũ khí cùng xe quân sự của họ.
Mặc dù bị đẩy ra khỏi các thành phố và thị trấn lớn của Somalia, al-Shabab vẫn tiếp tục triển khai các cuộc tấn công du kích chết người tại đây nhắm mục tiêu vào quân đội Liên minh châu Phi (AU), quan chức chính phủ và du khách nước ngoài.
Bom giết 9 người ở Ai Cập
9 người, bao gồm 6 cảnh sát, thiệt mạng hôm 21-1 ở ngoại ô thủ đô Cairo – Ai Cập sau khi một quả bom phát nổ lúc cảnh sát chuẩn bị tấn công một nơi ẩn náu của phiến quân.
Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, lực lượng an ninh khi chuẩn bị đột kích căn hộ nghi vấn đã phát hiện một cái bẫy nên tìm cách vô hiệu hóa nhưng thất bại. Ngoài 9 người thiệt mạng còn có 10 người khác bị thương.
Các tổ chức Hồi giáo cực đoan đẩy mạnh các cuộc tấn công binh sĩ Ai Cập kể từ khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi năm 2013. Nhiều thường dân cũng bị giết trong các cuộc xung đột bạo lực.
Bình luận (0)