Tiếp nối truyền thống có từ năm 1796, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài diễn văn từ biệt người dân tại trung tâm hội nghị McCormick Place ở TP Chicago vào tối 10-1 (giờ địa phương), cách không xa nơi ông có bài phát biểu chiến thắng khi thắng cử lần đầu tiên vào tháng 11-2008. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ trở về quê nhà đọc bài phát biểu có ý nghĩa đặc biệt này.
“Hành trình đáng kinh ngạc”
Theo đài CBS News, bài diễn văn là dịp để các nhà lãnh đạo Mỹ sắp mãn nhiệm nhìn lại những thành tựu và những gì chưa làm được trong 1 hoặc 2 nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng nói bài diễn văn không tập trung khoe thành tích mà phát đi thông điệp kêu gọi thế hệ lãnh đạo tiếp theo hành động. Bà Valerie Jarrett, cố vấn cấp cao của ông Obama, hé lộ thêm ông chủ Nhà Trắng muốn khích lệ người dân tham gia vào cuộc đấu tranh cho nền dân chủ của mình. Trong khi đó, ông Obama mô tả bài diễn văn là “cơ hội để nói lời cảm ơn vì hành trình đáng kinh ngạc” trong 8 năm qua, cũng như nêu lên suy nghĩ về hướng đi tương lai của đất nước.
Ông Obama đọc bài diễn văn này trong bối cảnh người sắp kế nhiệm, tỉ phú Donald Trump, và phe Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội dọa dỡ bỏ những chính sách được ông thực thi trong 2 nhiệm kỳ qua. Mục tiêu hàng đầu chính là Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare), một thành tựu đối nội giúp 20 triệu người có bảo hiểm y tế nhưng cũng vấp phải không ít tranh cãi, phản đối.
Tương tự Obamacare, những di sản khác của ông Obama cũng khiến chính trường và người dân Mỹ chia rẽ. Điều này thể hiện rõ qua kết quả cuộc thăm dò được hãng tin AP - Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công NORC công bố hôm 9-1. Cụ thể, 40% người được hỏi đánh giá cuộc sống gia đình họ tốt hơn trong lúc 25% người nói ngược lại. Trong khi đó, chỉ 27% người cho rằng đất nước đã đoàn kết hơn trong 2 nhiệm kỳ của ông Obama, so với 44% người nói đất nước trở nên chia rẽ hơn. Ngoài ra, 44% người nói ông Obama tìm cách thực hiện những lời hứa nhưng không thành, trong khi 22% nói ông không giữ lời hứa. Chỉ có 32% người cho rằng ông không thất hứa.
AP nhận định kết quả thăm dò cho thấy không ít người ủng hộ ông Obama đang thất vọng khi chứng kiến những ưu tiên chính sách của ông không đạt nhiều tiến triển, như vấn đề cải cách luật nhập cư, kiểm soát súng đạn, đóng cửa nhà tù giam nghi can khủng bố ở Vịnh Guantanamo…
Thành tựu kinh tế bị phủ bóng
Di sản kinh tế của ông Obama cũng nhận được những ý kiến khác nhau. Một số người đánh giá kinh tế nước Mỹ trong 8 năm qua đã hồi phục và cải thiện nhưng chưa thật sự ấn tượng.
Ông Obama nhậm chức vào thời điểm kinh tế bị thiệt hại nặng bởi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát dưới thời người tiền nhiệm khiến việc làm “bốc hơi” hàng loạt. Hệ quả là năm đầu tiên của nhiệm kỳ khép lại với tỉ lệ thất nghiệp ở mức 10% - cao nhất trong 25 năm. Dù vậy, khi ông rời Nhà Trắng ngày 20-1 tới, tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 4,7% nhờ số việc làm gia tăng trong 75 tháng liên tiếp. Dù vậy, thành tựu kinh tế của ông bị phủ bóng bởi thực trạng lương bổng tăng ít còn nhiều người lớn tuổi từ bỏ nỗ lực tìm việc.
Về mặt đối ngoại, những thành tựu như thỏa thuận hạt nhân Iran và nối lại quan hệ với Cuba cho thấy đường lối ngoại giao của ông Obama đã đạt hiệu quả. Dù vậy, tờ The Guardian chỉ ra một điều khiến không ít người ngạc nhiên. Khi tranh cử tổng thống, ông hứa kết thúc các cuộc chiến nổ ra dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush. Dù vậy, thời gian ông Obama “tham chiến” khi nắm quyền còn nhiều hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đó.
Theo thống kê, lực lượng đặc biệt Mỹ có mặt ở 138 quốc gia (tương đương 70% nước trên thế giới) trong năm 2016, tăng 130% so với thời ông Bush. Cũng trong năm này, chính quyền ông Obama đã cho thả ít nhất 26.171 quả bom, tức mỗi ngày 72 quả. Phần lớn cuộc không kích diễn ra ở Syria và Iraq nhưng bom Mỹ cũng được thả xuống cả Afghanistan, Libya, Yemen, Somalia và Pakistan.
Cho dù để lại di sản gây tranh cãi, ông Obama vẫn nhận được thiện cảm của 57% cử tri trong cuộc thăm dò nêu trên, cao hơn mức 40% của người tiền nhiệm. Tình cảm của người dân dành cho vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ này thể hiện rõ qua dòng người xếp hàng dài trong điều kiện thời tiết giá rét vào cuối tuần rồi để có được tấm vé vào nghe trực tiếp ông nói lời chia tay.
Tuần thử thách của ông Trump
Thượng viện Mỹ trong tuần này tiến hành một loạt phiên điều trần để xem xét các đề cử nhân sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nhân vật bị “soi” đầu tiên trong ngày 10-1 là Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, được đề cử vào ghế Bộ trưởng Tư pháp. Nhân vật này từng đối mặt với chỉ trích vì những phát biểu bị xem là phân biệt chủng tộc và chống nhập cư.
Trong lần xuất hiện ngắn ngủi trước các phóng viên hôm 9-1, ông Trump dự đoán Thượng viện sẽ thông qua mọi nhân vật được đề cử vào nội các của ông. Cùng ngày, ông tiếp tục gây tranh cãi khi bổ nhiệm con rể Jared Kushner, 36 tuổi, vào vị trí cố vấn cấp cao của Nhà Trắng. Các thành viên Đảng Dân chủ lập tức kêu gọi Bộ Tư pháp và Văn phòng Đạo đức chính phủ Mỹ (OGE) xem xét hành động này có vi phạm luật chống gia đình trị hay không. Một nỗi lo khác, theo đài BBC, là nguy cơ xung đột lợi ích khi ông Kushner đang làm việc cho Công ty Kushner Companies của gia đình và là chủ tờ báo New York Observer.
Trong nỗ lực xoa dịu dư luận, bà Jamie Gorelick, luật sư của ông Kushner, nói thân chủ mình sẽ rời khỏi những vị trí nêu trên và làm việc không lương trong vai trò mới - tập trung vào chính sách thương mại và Trung Đông. Ngoài ra, luật sư này khẳng định việc bổ nhiệm của ông Trump là hợp pháp. Theo luật chống gia đình trị được thông qua năm 1967, tổng thống Mỹ không được phép bổ nhiệm người thân vào nội các nhưng hiện chưa rõ lệnh cấm này có được áp dụng cho những vị trí làm việc trong Nhà Trắng hay không. Theo đài BBC, vị trí cố vấn được xem là nhân viên Nhà Trắng nên không cần sự phê chuẩn của quốc hội.
Xuân Mai
Bình luận (0)