Chủ tịch Tập đoàn Fosun (Phục Tinh) Quách Quảng Xương, tỉ phú được mệnh danh là “Warren Buffet của Trung Quốc”, hôm 14-12 bất ngờ tái xuất tại cuộc họp thường niên của công ty ở TP Thượng Hải sau khi “mất tích” bí ẩn từ 4 ngày trước.
Đại diện tập đoàn này thông báo ông Quách đang hỗ trợ cơ quan điều tra, chủ yếu liên quan đến chuyện của cá nhân ông chứ không phải công việc.
Hiện tượng phổ biến
Sự biến mất của ông Quách trở thành đề tài bàn tán của dư luận giữa lúc hiện tượng doanh nhân, quan chức chết bí ấn, mất tích bất thường hoặc bị giam giữ đang ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Truyền thông nước này thống kê ít nhất 27 trường hợp quan chức chết vì tự sát hoặc những “nguyên nhân bất thường” (chết đuối, rơi từ mái nhà...) từ đầu năm đến nay.
Đầu tháng này, cựu tỉ phú Từ Minh, thân tín của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, được loan báo đã chết trong trại giam sau một cơn đau tim đột ngột, dù tình trạng sức khỏe cũng như tinh thần 2 tháng trước khi bị bắt vẫn bình thường. Đầu năm 2015, có 4 quan chức nhảy lầu liên quan đến cáo buộc tham nhũng.
Theo báo Anh The Financial Times, cho dù ông Quách trở về không hề hấn gì song vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Ngoài ra, thông tin tỉ phú này bị cơ quan chức năng “hỏi thăm sức khỏe” cũng khiến doanh nghiệp trong và ngoài nước lo lắng. Nó có thể làm giới nhà giàu Trung Quốc càng có lý do để chuyển gia đình và của cải ra nước ngoài.
“Cần núi để dựa”
Các chuyên gia nhấn mạnh vụ việc của ông Quách đã làm dấy lên nỗi lo về một giai đoạn nguy hiểm mới trong quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà chức trách Trung Quốc. Một chuyên gia thậm chí cảnh báo về “địa chấn cấp 9” trong lĩnh vực tư nhân bởi trước nay ít có “con hổ” trong lĩnh vực tư nhân sa lưới trong cuộc chiến chống tham nhũng được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động 3 năm trước.
Chủ tịch tập đoàn xây dựng tư nhân China Pacific Nghiêm Khiết Hà cho biết các doanh nghiệp tư nhân thường cần phải “dựa vào một ngọn núi” - thuật ngữ ám chỉ phải có người hậu thuẫn về chính trị. “Tuy nhiên, đôi khi những ngọn núi đó có thể trở thành núi lửa” - ông Nghiêm chỉ ra mặt trái của mối quan hệ ấy.
GS Hồ Tinh Đẩu của Viện Công nghệ Bắc Kinh bình luận gốc rễ của việc doanh nhân, quan chức chết hoặc mất tích bí ẩn thường nằm trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc. “Kinh doanh cần song hành với quyền lực để phát triển. Hễ có thay đổi đối với những người đang nắm quyền, doanh nghiệp sẽ phải chịu rủi ro” - giáo sư nói.
Còn theo GS Chúc Lê Gia của Học viện Quản trị Trung Quốc, vấn đề chính trong các vụ doanh nhân biến mất ở Trung Quốc là sự không minh bạch bởi “không ai thực sự biết điều gì đang diễn ra”. Một số quan chức, doanh nhân ra hầu tòa từng lên tiếng về những gì họ đã phải trải qua trong quá trình bị giam giữ. Trang tin Bloomberg dẫn trường hợp ông Bạc Hy Lai lãnh án chung thân vì tội nhận hối lộ. Ông này nói tại tòa rằng ông bị ép phải thú tội trong quá trình thẩm vấn. Vì thế, các nhà quan sát chính trị cho rằng cần thay đổi phương pháp điều tra để ngăn chặn làn sóng tự tử, “chết bất thường” nói trên.
Bình luận (0)