Trong một báo cáo về điều được mô tả là "dịch bệnh bị lãng quên", Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tổ chức từ thiện quốc tế Save the Children cùng 4 tổ chức sức khỏe khác thúc giục chính phủ các nước tăng đầu tư vắc-xin phòng tránh viêm phổi và đầu tư vào các cơ sở y tế cũng như thuốc men điều trị bệnh này.
"Căn bệnh dễ chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa này hiện vẫn được xem là sát thủ nguy hiểm nhất thế giới đối với các trẻ nhỏ và đây là một thực tế rất sốc" - ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), nói với hãng tin Reuters.
Một phụ nữ đưa con gái 10 tháng tuổi bị chẩn đoán viêm phổi đến gặp bác sĩ ở một bệnh viện tại thủ đô Ulaanbaatar - Mông Cổ Ảnh: Reuters
Viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Người bệnh thường khó thở vì phổi của họ đầy mủ và chất dịch. Căn bệnh này có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin, điều trị bằng kháng sinh và liệu pháp ôxy trong những trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại các nước nghèo, những phương pháp này thường hạn chế và khó tiếp cận.
Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia chiếm hơn 1/2 số trẻ em tử vong vì viêm phổi hồi năm ngoái. Hầu hết trẻ tử vong đều chưa đến 2 tuổi. Ông Kevin Watkins, Giám đốc điều hành Tổ chức Save the Children, lo ngại: "Hàng triệu trẻ em đang chết dần vì thiếu vắc-xin, thuốc kháng sinh giá phải chăng và liệu pháp ôxy thường xuyên. Đây là một dịch bệnh toàn cầu bị lãng quên, đòi hỏi phải có hành động phản ứng khẩn cấp của quốc tế".
Báo cáo nêu trên cũng cho thấy viêm phổi chiếm 15% trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi nhưng chỉ chiếm 3% chi phí nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm - một con số rất thấp so với các bệnh khác.
Bình luận (0)