Đức là một ví dụ điển hình khi Viện Robert Koch (RKI) đầu tuần này bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của số ca nhiễm mới gần đây. Trước đó, cách xử lý dịch bệnh của chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỉ lệ tử vong do dịch Covid-19 tại nước này hồi tháng 3 chỉ là 0,4% (so với mức hơn 4% của thế giới) dù số ca nhiễm cao. Tuy nhiên, sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, các ổ dịch mới dần xuất hiện. Theo RKI, số ca nhiễm mới đã bất ngờ tăng lên 815 ca/ngày hôm 24-7 sau khi giảm xuống mức 500 ca/ngày trong những tuần qua.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson hôm 28-7 cảnh báo đang có những dấu hiệu về làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại châu Âu. Nước này đang áp dụng biện pháp cách ly đối với những người trở về từ Tây Ban Nha, nơi ghi nhận khoảng 855 ca nhiễm mới hôm 27-7, tăng từ mức dưới 400 ca/ngày hồi tháng 6.
Một số người xếp hàng trước một trung tâm xét nghiệm Covid-19 di động tại sân bay ở TP Cologne - Đức hôm 28-7 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes nói với đài CNN rằng nước này đang tăng cường các biện pháp hạn chế trên toàn quốc đến cuối tháng 8 sau khi số ca nhiễm mới tăng trung bình 193 ca/ngày hồi tuần trước, tức tăng khoảng 91% so với 7 ngày trước đó. Đức và Pháp cũng công bố kế hoạch xét nghiệm đối với du khách đến từ những nước "nguy cơ cao" cùng với việc cách ly bắt buộc 14 ngày sau khi nhập cảnh.
Là một trong những quốc gia có tên trong danh sách nguy cơ cao nói trên, Mỹ hôm 28-7 ghi nhận thêm 1.592 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đây là mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi qua và nâng tổng số ca tử vong lên hơn 150.000 ca. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, bang Texas trở thành bang thứ 4 bên cạnh California, Florida và New York có số ca nhiễm vượt mốc 400.000. Diễn biến đáng lo này đang dẫn đến nỗi lo rằng nền kinh tế số 1 thế giới vẫn chưa vượt qua cuộc khủng hoảng đang khiến nhiều doanh nghiệp và người dân lao đao.
Còn tại Úc, chính quyền bang Queensland hôm 29-7 thông báo sẽ đóng cửa đối với tất cả du khách đến từ TP Sydney, thủ phủ bang New South Wales, từ đầu tháng tới sau khi thành phố đông dân nhất nước này bị xem là một điểm nóng của dịch Covid-19. Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo 101 ca nhiễm mới được ghi nhận tại đại lục hôm 28-7, mức cao nhất trong 3 tháng rưỡi qua. Trong khi đó, chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông đã thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ ngày 29-7 sau khi cảnh báo người dân về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 quy mô lớn và thúc giục họ ở trong nhà càng nhiều càng tốt.
Bình luận (0)