Nga đang có ý định thông qua việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) sau gần 2 tuần nữa. Đài CNN (Mỹ) hôm 29-7 dẫn lời một số quan chức Nga nói rằng họ đang chuẩn bị để cho phép sử dụng vắc-xin do Viện Gamaleya ở Moscow bào chế từ ngày 10-8 hoặc sớm hơn.
Nếu không có gì thay đổi, Nga sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có bước đi như thế ngay cả khi vẫn còn một số lo ngại về tính an toàn, hiệu quả và liệu có quy trình quan trọng nào bị rút ngắn trong quá trình phát triển vắc-xin hay không. Moscow hiện chưa trình làng dữ liệu khoa học nào về quá trình thử nghiệm vắc-xin của mình. Dù vậy, giới chức Nga cho biết những dữ liệu này dự kiến được công bố vào đầu tháng 8.
Một khi vắc-xin được phê chuẩn, theo giới chức Nga, đội ngũ nhân viên y tế sẽ được tiêm phòng đầu tiên. "Đó sẽ là khoảnh khắc Sputnik" - ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga đang tài trợ cho nỗ lực nghiên cứu vắc-xin Covid-19 của Moscow, nhận định. Ông có ý nhắc đến sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới vào năm 1957. "Người Mỹ ngạc nhiên khi họ nghe tiếng "bíp" của Sputnik. Với vắc-xin này cũng vậy. Nga sẽ đến đích trước" - ông Dmitriev khẳng định.
Một người tình nguyện được tiêm vắc-xin Covid-19 phát triển ở Nga. Ảnh: TRƯỜNG ĐH Y SECHENOV (NGA)
Trong lúc này, hàng chục cuộc thử nghiệm vắc-xin Covid-19 đang diễn ra trên thế giới. Hầu hết nhà phát triển thận trọng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi loại vắc-xin này được chấp thuận đưa vào sử dụng rộng rãi. Hiện chỉ mới có một vài loại vắc-xin tiềm tàng bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Trong khi đó, vắc-xin trên của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 2. Viện Gamaleya dự kiến hoàn tất quá trình này vào ngày 3-8 rồi tiến hành giai đoạn 3 song song với quá trình tiêm vắc-xin cho đội ngũ nhân viên y tế.
Các nhà khoa học Nga cho biết vắc-xin của họ được phát triển nhanh chóng vì dựa trên loại vắc-xin đã được tạo ra để phòng những bệnh khác. Nhiều quốc gia và công ty cũng đang đi theo hướng này. Đáng chú ý, Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics (Mỹ) cho biết vắc-xin Covid-19 của họ được dựa trên loại vắc-xin dùng để phòng ngừa hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Moderna đang được chính phủ Mỹ hậu thuẫn và vắc-xin Covid-19 của họ vừa bước vào giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục ngàn người tình nguyện từ vài ngày trước. Theo trang Bloomberg, công ty này hôm 28-7 cho biết thêm một nghiên cứu trên khỉ cho thấy vắc-xin của họ đã cho kết quả khích lệ khi gây ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và bảo vệ các cá thể này trước virus SARS-CoV-2.
Hướng tiếp cận trên giúp đẩy nhanh quá trình phát triển nhưng cũng đòi hỏi sự thận trọng. Các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu đang yêu cầu phải tiến hành đầy đủ thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin do Moderna phát triển. Trong khi đó, theo các quan chức Nga, quá trình phê duyệt vắc-xin được đẩy nhanh vì diễn biến phức tạp của đại dịch ở trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung. Theo trang worldometers.info, Nga hiện ghi nhận hơn 820.000 ca Covid-19 và hơn 13.600 trường hợp tử vong. "Các nhà khoa học của chúng tôi không chỉ tập trung vào việc dẫn đầu mà còn chú trọng đến việc bảo vệ người dân" - ông Dmitriev nhấn mạnh.
Hàng không, du lịch lao đao
Một báo cáo mới được Tổ chức Du lịch thế giới công bố hôm 28-7 cho thấy đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 320 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2020 và đe dọa sinh kế của nhiều triệu người. Theo báo cáo, số lượt khách du lịch quốc tế giảm khoảng 300 triệu trong giai đoạn nói trên (tức giảm khoảng 56% so với cùng kỳ năm ngoái) trong bối cảnh chính phủ các nước thực thi nhiều biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hồi tháng 5, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm 60%-80% do dịch Covid-19.
Cùng ngày, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo hoạt động đi lại bằng đường không đến năm 2024 mới có thể hồi phục trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tức lâu hơn 1 năm so với dự báo trước đó. Theo IATA, một phần lý do thời gian dự báo hồi phục bị lùi lại là nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và các nước đang phát triển, phản ứng chậm với làn sóng lây nhiễm.
Bình luận (0)