Nước Mỹ đang đối mặt dịch cúm tồi tệ nhất trong gần 10 năm qua giữa lúc có nỗi lo tình hình có thể thêm nghiêm trọng khi học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ lễ.
Hơn 50.000 người tử vong?
Theo AP, toàn bộ lục địa Mỹ (tức 49/50 bang, trừ Hawaii) đã chứng kiến dịch cúm lan rộng trong 3 tuần đầu tiên của tháng 1-2018. Chuyên gia Dan Jernigan của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cuối tuần rồi nhận định dịch cúm hiện nay có một số đặc trưng chưa từng thấy và đáng lo ngại: Xảy ra ở nhiều nơi cùng lúc, đang tiếp diễn thay vì nhanh chóng lên đến đỉnh điểm, nhiều người cao tuổi chịu ảnh hưởng hơn so với trước.
Tính từ đầu mùa cúm đến giờ, đã có 37 trường hợp trẻ em tử vong được báo cáo cho CDC. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng con số thực tế có thể cao hơn gấp đôi bởi nhà chức trách thường mất nhiều thời gian để nhận báo cáo về ca tử vong bên ngoài bệnh viện.
Đáng chú ý, tỉ lệ người bệnh cúm trong độ tuổi 50-64 nhập viện cao bất thường và họ càng có lý do để lo lắng bởi một nghiên cứu gần đây chỉ ra sự liên quan giữa bệnh cúm và sự gia tăng của nguy cơ đau tim. Điều an ủi hiếm hoi là số người cao tuổi tử vong vì cúm cho đến giờ không nhiều như những năm trước.
Đã xuất hiện nỗi lo dịch cúm năm nay có thể tồi tệ không kém mùa cúm 2014-2015 với 34 triệu người nhiễm bệnh, 710.000 người nhập viện và khoảng 56.000 người tử vong - theo ước tính của CDC. Một số chuyên gia dự báo khi mùa cúm năm nay khép lại, hơn 50.000 người Mỹ sẽ thiệt mạng. Dự báo này có lẽ không quá bi quan bởi theo tờ The Wall Street Journal, bang Texas đã ghi nhận 2.355 trường hợp tử vong vì cúm trong giai đoạn từ tháng 10 đến 12-2017.
Một bệnh nhân cúm tại Trung tâm Y tế Palomar, bang California - Mỹ Ảnh: REUTERS
Virus có thay đổi?
Tờ The New York Times cho biết số người mắc bệnh trong đại dịch cúm năm 2009 còn cao hơn nhưng thủ phạm khi đó là virus mới. Trong khi đó, dịch cúm năm nay chủ yếu do virus H3N2 gây ra, với trẻ em và người lớn tuổi có khuynh hướng bị bệnh nặng nhất. Đây cũng là loại virus gây ra dịch cúm năm ngoái nhưng tình hình khi đó không tồi tệ như bây giờ.
Chuyên gia Jernigan cho rằng có thể nhiều người bị nhiễm bệnh năm nay không rơi vào hoàn cảnh tương tự năm ngoái hoặc virus có thể có những thay đổi mà họ chưa phát hiện. Theo nhà chức trách y tế, phải đến tháng 2, họ mới biết được việc tiêm vắc-xin ngừa cúm cho người dân đạt hiệu quả đến đâu.
Ông Jernigan cũng đề cập một diễn biến đáng lo ngại khác: Dường như sự gia tăng dịch cúm có liên quan đến việc trẻ em quay trở lại trường học trong tháng 1 này. Đó là lý do khiến chính quyền 11 bang đã cho đóng cửa các trường học trong nỗ lực ngăn chặn dịch cúm thêm lây lan.
Không chỉ Mỹ khổ sở vì cúm. Theo hãng tin UPI (Mỹ) ngày 29-1, Triều Tiên vừa yêu cầu sự hỗ trợ nhân đạo sau khi dịch cúm đang lây lan khắp nước, với 29% trường hợp tại thủ đô Bình Nhưỡng. Theo báo cáo được Bộ Y tế Triều Tiên gửi đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây, Bình Nhưỡng đã xác nhận 81.640 trường hợp nhiễm virus cúm H1N1 trong giai đoạn từ ngày 1-12-2017 đến 16-1-2018, trong đó 3 trẻ em và 1 người lớn đã tử vong.
Ngoài ra, gần 53% trong số 126.574 trường hợp nghi nhiễm là người từ 17 tuổi trở lên, 24,5 % là trẻ em dưới 7 tuổi và 23% là trẻ 8-16 tuổi. Bình Nhưỡng đang cân nhắc những biện pháp ngăn dịch lan rộng, như đóng cửa trường học.
Trung Quốc cũng đang đối mặt mùa cúm nghiêm trọng nhất trong vài năm trở lại đây. Riêng thủ đô Bắc Kinh ghi nhận 10.215 ca nhiễm cúm trong tuần thứ 2 của năm mới, tăng 7% so với tuần đầu tiên. Theo truyền thông Trung Quốc, các bệnh viện khắp nước này tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm kể từ tháng 10-2017 - thời điểm dịch bắt đầu hoành hành.
Tình hình cúm tại Đài Loan cũng gây không ít lo lắng, với gần 130.000 người phải đi thăm khám vì những triệu chứng giống cúm trong tuần thứ 3 của tháng 1-2018, tăng 27% so với tuần trước đó.
Bình luận (0)