Singapore mới đây đã lên tiếng bác bỏ thông tin về cách điều trị mới nhân danh Bộ Y tế nước này. Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế Singapore cung cấp thông tin về một nghiên cứu cho rằng Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...
Đây không phải là lần đầu tiên những lời khuyên trái ngược với thông tin về phòng ngừa, điều trị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xuất hiện giữa lúc dịch bệnh căng thẳng.
Những thông tin này có một phần nội dung có cơ sở khoa học hay xuất phát từ cách chữa trị dân gian nên dễ thuyết phục người dân, như nước nóng có thể bảo vệ con người trước virus gây bệnh hay ăn tỏi, hành, xông nước lá... Giờ đây, những cách tăng cường sức đề kháng mỗi khi bị cảm cúm thông thường lại được cho là có tác dụng chống và chữa trị khi nhiễm Covid-19.
Một phụ nữ bán hàng ở Bangkok - Thái Lan bị bắt vì phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội về đợt bùng phát Covid-19 năm ngoái Ảnh: BANGKOK POST
Chưa kể, còn có cả những lời khuyên hoàn toàn không có cơ sở khoa học như ở Ấn Độ: "1,3 tỉ người cùng lúc vỗ tay, thổi vỏ ốc xà cừ sẽ tạo ra rất nhiều xung động khiến virus mất hết sức mạnh".
Tin thất thiệt này lan truyền nhanh chóng, đến nỗi đội phản ứng của Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ phải lên tiếng bác bỏ: "Không! Xung động giải phóng ra từ việc vỗ tay cùng lúc không tiêu diệt được virus".
Nói về tác hại của những thông tin giả, còn được gọi là "virus số", trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhìn nhận: "Những thông tin giả mạo giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát có nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý kịp thời".
Thông tin giả không chỉ làm người dân hoang mang mà còn gieo nỗi sợ hãi, tạo kích động trong cộng đồng mạng, từ đó gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch và trật tự an toàn xã hội.
Ấn Độ vào tháng 3 đón nhận làn sóng hoảng loạn khi Facebook và WhatsApp xuất hiện thông tin: "Vừa nhận được tin mới từ văn phòng bác sĩ Naresh Trehan (Giám đốc Bệnh viện Medanta), Ấn Độ chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 1-2 ngày. Hãy tích trữ đủ lương thực, thuốc men và tiền mặt".
Hay như ở tâm dịch Indonesia, những thông tin sai lệch trở thành rào cản lớn khiến nước này khó kiểm soát được sự bùng phát dịch bệnh. Tin giả về các phương pháp điều trị Covid-19, về hiệu quả của vắc-xin trên mạng xã hội khiến nhiều người dân hoang mang và không muốn tiêm phòng. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng việc tiêm vắc-xin có thể khiến họ mắc bệnh nặng hơn hoặc tử vong.
Cũng vì tin giả, nhiều cư dân Indonesia hiện vẫn xem nhẹ đại dịch, coi Covid-19 "chỉ là cảm lạnh thông thường", kể cả khi số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh quanh họ.
Làn sóng tin giả đôi khi làm lu mờ những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nhà khoa học thần kinh Sumaiya Shaikh (Ấn Độ) cho biết: "Nhiều người đang tin vào thông tin giả. Thậm chí, có nhiều người ra ngoài nhảy múa để virus bị tiêu diệt. Họ không hiểu về khái niệm giãn cách xã hội, vốn hiện là biện pháp duy nhất để ngăn chặn virus lây lan". Điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tăng áp lực cho ngành y tế.
Hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng là chuyện đau đầu ở nhiều nước trên thế giới. Theo kênh CNBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16-7 đã chỉ trích các mạng xã hội đang "sát nhân" khi không thể kiểm soát những thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và việc tiêm chủng. Nhà Trắng đang gia tăng áp lực đối với các công ty truyền thông xã hội nhằm loại bỏ những thông tin sai về việc tiêm vắc-xin Covid-19.
Bình luận (0)