Thay vì đưa Bình Nhưỡng đến gần bàn đàm phán hơn, những biện pháp này nhiều khả năng thúc đẩy chiến tranh và thậm chí là làm sụp đổ chính quyền Triều Tiên nếu chúng được thực thi có hiệu quả.
Thắt chặt trừng phạt Triều Tiên khó lòng đem lại thành công. Thứ nhất, Mỹ phải làm sao để lệnh cấm vận đơn phương của mình được thực thi trên toàn cầu - điều chắc chắn không thể thành hiện thực chỉ với các biện pháp trừng phạt gián tiếp. (Trung Quốc là bậc thầy trong việc tạo ra các ngân hàng quy mô nhỏ và các thực thể không dính dáng tới hệ thống tài chính Mỹ, từ đó mặc sức giao dịch tại những nơi trong tầm ngắm trừng phạt gián tiếp của Mỹ). Do đó, Mỹ có thể phải mở rộng trừng phạt gián tiếp ra toàn bộ quốc gia hoặc áp đặt cấm vận đi kèm biện pháp quân sự.
Người dân Triều Tiên câu cá tại TP biển Wonsan Ảnh: CNN
Thứ hai, nỗ lực cấm vận Triều Tiên nhiều khả năng dẫn tới khủng hoảng nhân đạo. Dù bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch, Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều phương cách khác - như họ từng chứng minh khả năng bằng cách đánh bại các lệnh trừng phạt trước đó.
Tuy nhiên, trong khi giới tinh hoa và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn được nuôi sống thì đại đa số người dân nước này có thể hứng chịu tình trạng thiếu thốn, thất nghiệp, nạn đói hoặc bệnh tật vì bị cắt đứt khỏi thương mại toàn cầu.
Thứ ba, không đủ thời gian để bảo đảm chiến lược của Mỹ đạt hiệu quả. Khuất phục một đất nước về mặt kinh tế - dù nghèo như Triều Tiên - không phải là chuyện làm được trong một vài tuần mà phải mất nhiều năm trời! Nhưng thời gian cho Mỹ không tính bằng năm bởi Triều Tiên có thể đạt mục tiêu tấn công các thành phố nước này bằng vũ khí nhiệt hạch chỉ trong vài tháng hoặc 1 năm nữa.
Nhiều khả năng đây chính là nguyên nhân khiến ê-kíp cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định một cách không chính thức rằng chiến tranh là điều không tránh khỏi. Dĩ nhiên, ông Kim Jong-un sẽ đáp trả bằng cách này hay cách khác: Tấn công mạng nhằm vào Mỹ hoặc tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bình luận (0)